Thứ sáu, 2/12/2011, 14h12

Cơ chế này, các đại học công sẽ lụi

Cuộc hội thảo liên quan đến thảo Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập do Bộ Tài chính và UNDP vừa diễn ra sáng 29/11 trở thành nơi lãnh đạo các ĐH công trút bầu tâm sự  về khó khăn khi không được tự chủ tài chính, đào tạo.

Nhiều bất cập
Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, GS.TS Hoàng Văn Châu đay đả: “Quá trình tự chủ tài chính của trường được thực hiện từ năm 2008. Nhưng chỉ được phép tăng định mức và tăng lương thêm 2,5 lần. Ngoài ra chúng tôi không có được hưởng quyền gì hơn so với trường khác”.
“Do đó không tạo nguồn thu và tăng lương được nhiều trong khi lạm phát tăng cao dẫn tới hiện tượng chảy máu chất xám, giảng viên bỏ trường ra làm bên ngoài” – ông nêu thực trạng.
PGS.TS Phan Duy Minh, Trưởng Bộ môn Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) tiếp lời: “Cơ chế tài chính hiện tại ở các trường ĐH công lập đã làm cho hoạt động đào tạo trong những năm gần đây dẫn tới tình trạng quảng canh”.  
Ông ví von, trong kinh tế doanh thu được tính bằng sản lượng nhân giá bán. Giá bán thì suốt như vậy, trong khi ta muốn tăng doanh thu thì phải tăng sản lượng. Còn trong giáo dục, 10 năm qua số lượng SV đã tăng 13 lần. Như vậy dẫn tới lớp học đông SV, lớp cả trăm em, chất lượng dạy không tốt.
Bất cập nữa, theo ông Minh đến ngay từ việc tuyển dụng khi tiêu chí yêu cầu SV có bằng ít nhất loại khá mới được nộp hồ sơ. Điều này xảy ra cả ở cơ quan nhà nước. Và chuyện chạy điểm, xin điểm không phải không phổ biến đâu. Chính việc này đã gây sức ép trở lại cho cơ sở đào tạo, làm cho chúng ta không hoàn thành nhiệm vụ với xã hội, đất nước”.
GS.TS Hoàng Văn Châu nêu quan điểm: “Chủ trương tuyển ngoài ngân sách là đúng đắn, là hình thức xã hội hóa tốt vừa có lợi cho người học, có lợi cho nhà trường và nhà nước. Và khi không vào được ĐH Ngoại thương, các em không vào các ĐH tư thục mà sang học nước ngoài hoặc học trường quốc tế tại VN.
Vậy là chúng ta không tuyển thì vô tình tạo điều kiện cho các trường ĐH bên ngoài tuyển sinh hệ ngoài ngân sách. Cứ như thế này, tồn tại đã khó chứ chưa chắc phát triển. Các trường công lập sẽ ngày càng lụi bại đi”.
Được tự chủ tôi sẽ sống thoải mái
Nhu cầu được tự chủ về tài chính, quản lí đào tạo, hợp tác quốc tế là vấn đề được nhắc lại nhiều lần trong tham luận của lãnh đạo các ĐH-HV công lập. Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân, Nguyễn Văn Nam khẳng định: “Nếu anh cho tự chủ thì tôi sống thoải mái”.
Theo ông Nam, muốn tự chủ anh phải xác định thế nào là tự chủ: tự chủ hoàn toàn hay tự chủ tài chính. Tự chủ tài chính buộc dẫn tới phải tự chủ trong đào tạo, quản lí, nghiên cứu khoa học. Còn chỉ cho tự chủ thu ở đây chủ yếu là thu học phí thì còn nhiều thứ khác thì có cho thu không?”
Chuyện phân tầng, phân theo lĩnh vực hay nhóm đối tượng để tập trung đầu tư cùng với đó là thực hiện nghiêm ngặt việc giám sát chất lượng đầu ra cũng được các tham luận tập trung đề cập trong các giải pháp nhằm “cởi trói” và nâng cao chất lượng đào tạo ĐH.
Ông Phùng Xuân Nhạ, phó GĐ ĐHQG Hà Nội nêu quan điểm: Tự chủ phải gắn liền với giám sát, điều này cực kỳ quan trọng. Nếu không tự chủ không đạt kết quả. Khi anh tuyên bố chất lượng của anh như thế này thì khi ra trường cũng phải đo đếm như vậy. Chỉ khi đó việc tăng học phí gắn với chất lượng đào tạo mới thực sự là chủ trương đúng.
Đề cập đến cơ chế khoán sản phẩm cho từng cơ sở đào tạo, theo Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân: Việc khoán 10 trong ruộng đất thực hiện từ lâu rồi. Vấn đề chúng ta có học được cái đó không thôi?
Ví dụ đơn giản là khoán cho tôi đề tài nếu tôi không nộp được sản phẩm thì tôi phải nộp tiền phạt. Chất lượng đào tạo nếu yêu cầu 5.000 sinh viên có chất lượng, không đạt thì trả lại.
“Còn cách làm hiện nay là tuyển đầu vào khó hơn đầu ra quá nhiều” – lời ông Nam.
Còn ông Hoàng Văn Châu đề xuất: “Chúng tôi muốn Nhà nước cấp kinh phí chi như các trường khác. Nếu không cấp thì cho các trường cơ chế. Về cụ thể trường ĐH Ngoại thương thứ nhất cho phép tự chủ về chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức như thế nào chúng tôi sẽ có đề án”.
Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính) nhìn nhận: “Trong “nồi cơm còm” của ngân sách khả năng đáp ứng nhu cầu của chúng ta rất ít. Đổi mới cơ chế tài chính là nguồn ngân sách phải sắp xếp lại, có trường tăng trường giảm. Trong khó khăn chung, Chính phủ sẽ cho thí điểm 2 cơ chế cho các trường là sắp xếp hoặc di dời đến nơi mới. Nếu chuyển hẳn đến nơi khác, toàn bộ giá trị đó nhà trường được sử dụng để tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo việc dạy và học

Văn Chung

Theo Vietnamnet