Chủ nhật, 5/2/2012, 09h02

Cô gái Tây lướt sóng cứu người ở Đà Nẵng

Du khách khi đến bãi biển Đà Nẵng hè này sẽ được các đội cứu hộ lướt sóng chuyên nghiệp giám sát và giúp đỡ. Đứng đầu đội các tình nguyện viên này là một phụ nữ người Australia coi Việt Nam là nhà.
Katherine Waterhouse gia nhập đội cứu hộ nhỏ Cứu sinh lướt sóng Australia cách đây 13 năm và khi nghe tin về một loạt vị trí tình nguyện viên cứu sinh ở hải ngoại đang cần người, cô đã háo hức tham gia. Bây giờ, cô đang làm việc tại Đà Nẵng, thành phố miền trung Việt Nam trải dài bên những bãi biển tuyệt đẹp.
"Tôi muốn giúp một số người dân địa phương và người nước ngoài gây dựng phong trào lướt sóng cứu sinh tại Đà Nẵng", cô nói. "Dù nhiều khu vực trên bãi biển đã có đội dân phòng giám sát, các khu nghỉ dưỡng lớn cũng triển khai nhiều cứu hộ, nhưng vấn đề đảm bảo an toàn khi bơi lội vẫn cần được cải thiện và hỗ trợ".
Waterhouse cho rằng các nhân viên cứu hộ đang làm một công việc tuyệt vời nhưng số lượng du khách mà họ phải giám sát trên bãi biển quá lớn, trong khi họ thiếu được đào tạo chính thức. Đà Nẵng lại là điểm du lịch hè rất nổi tiếng ở Việt Nam.
"Dù những người dân miền Trung rất thích tắm biển nhưng phần đa người lớn và trẻ em không biết bơi hoặc bơi kém và rất dễ gặp nguy hiểm", Waterhouse nói.
"Biển ở Đà Nẵng không khác ở Australia nhiều, cũng có nhiều chỗ nước xoáy, dải cát và những rãnh sâu".
Katherine Waterhouse (áo cam ở giữa) cùng các tình nguyện viên lướt sóng cứu sinh Việt Nam. Ảnh: abc news
Waterhouse cho biết những người đứng đầu dự án cứu sinh này là những người Australia, những người bây giờ đã xem Việt Nam là "nhà" của họ. Duncan MacLean là một trong số đó.
Ông Duncan lớn lên ở bờ biển Sunshine và là một thành viên của câu lạc bộ lướt sóng cứu sinh địa phương trước khi ra nước ngoài kinh doanh khách sạn. Hiện là quản lý chung khu nghỉ dưỡng Furama ở Đà Nẵng, ông lần đầu nhận thức về vấn đề an toàn bãi biển khi Hội cứu sinh hoàng gia Australia tổ chức Hội nghị thế giới về chết đuối tại khu nghỉ dưỡng của ông. Ông đã được nghe về số người chết đuối ở Việt Nam hàng ngày và cùng một người bạn là Quentin Derrick nảy ra ý tưởng giúp Đà Nẵng giảm số lượng ca tử vong vì chết đuối.
"Làm việc tại một trong những bãi biển đẹp nhất châu Á, lại từng hợp tác với đội lướt sóng cứu sinh Australia để huấn luyện các nhân viên cứu hộ cho khu nghỉ dưỡng, chúng tôi đã nảy ra ý tưởng thành lập và tạo điều kiện thành lập câu lạc bộ lướt sóng cứu sinh đầu tiên ở Việt Nam", ABC News dẫn lời ông.
Ông Duncan tin rằng dự án này có ý nghĩa quan trọng vì không chỉ giúp giảm số lượng chết đuối mà còn khuyến khích thanh niên Việt Nam tham gia vào các câu lạc bộ để sống tốt hơn, khỏe hơn và có trách nhiệm hơn.
Lướt sóng cứu sinh chỉ là một trong nhiều dự án tình nguyện ở châu Á, Thái Bình Dương và châu Phi có sự hợp tác từ Australia. Jessica Whiting đến từ Austraining International, một đối tác của tổ chức Tình nguyện viên Australia vì phát triển quốc tế, là một trong các tình nguyện viên đó. Tổ chức của cô cũng đang hỗ trợ chương trình lướt sóng cứu sinh, đồng thời phối hợp với khoảng 550 người Australia hoạt động tình nguyện ngắn hạn và dài hạn trong nhiều lĩnh vực, từ chuyên gia sức khỏe đến giáo dục, nhân viên máy tính, xây dựng, kinh doanh. Chương trình hoạt động của tổ chức này rất đa dạng, từ chương trình dành cho những người 18-30 tuổi đã tốt nghiệp đại học hoặc đã có kinh nghiệm làm việc, cho đến chương trình dành cho người lớn tuổi hơn hoặc đã nghỉ hưu.
"Chúng tôi thường nghe các tình nguyện viên chia sẻ rằng họ đã nhận được nhiều hơn những gì họ cho đi khi trở về sau mỗi chuyến tình nguyện", cô nói. "Họ được mở rộng các kỹ năng, tìm hiểu về giao tiếp liên văn hóa và cách thay đổi cũng như phát triển khi chỉ có rất ít nguồn lực trong tay".
Trên blog của mình, Waterhouse viết rằng công việc của cô ở Đà Nẵng được dịch ra là "giáo viên dạy cứu hộ bãi biển". Sự xuất hiện của các giáo viên dạy bơi người nước ngoài không phải là điều gì kỳ lạ với người địa phương. Tuy nhiên, "giáo viên dạy cứu hộ bãi biển" vẫn là một khái niệm mới đối với cộng đồng dân cư, những người chưa có nhận thức tốt về an toàn bãi biển. Tuy nhiên, sự ủng hộ và quan tâm của người dân địa phương đối với chương trình của cô đang ngày một tăng lên. Waterhouse cũng đang điều hành một chương trình đào tạo cứu sinh trẻ em và các bậc phụ huynh ở đây rất hy vọng con em họ có thể tham gia học vào mùa tới.
Nhân viên cứu sinh người Australia biết rằng còn nhiều trở ngại phải vượt qua, trong đó có việc chờ chính phủ phê duyệt để dự án hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận. Tuy nhiên, nhiệt huyết của cô không hề giảm xuống.
"Sẽ có tình nguyện viên khác đến và giúp đỡ mọi người ở nơi tôi đã đi, vì đó là một nhiệm vụ lớn lao, cần nhiều thời gian, lòng kiên nhẫn và nỗ lực", cô nói.
Anh Ngọc (VNE)