Thứ bảy, 12/12/2015, 23h14

Cô giáo có quá nghiêm khắc?

Tình huống:

Sau lễ khai giảng một tuần, một số phụ huynh đã đến phòng hiệu trưởng phản ánh về việc: Cô giáo chủ nhiệm lớp 3/2 quá nghiêm khắc với học sinh, phụ huynh khó gần và khó giao tiếp với cô. Cô đưa ra quá nhiều quy tắc khiến trẻ căng thẳng khi đến lớp, khi phụ huynh góp ý kiến trao đổi cô đã từ chối thay đổi. Lời nói, hành vi của cô không đúng mục tiêu với nhà trường đang hướng đến “môi trường học tập thân thiện”.

Cách giải quyết

Hiệu trưởng ghi nhận ý kiến phản ánh của phụ huynh và mạnh dạn khẳng định sẽ xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất để phụ huynh yên tâm.

Trong quá trình giáo dục học sinh, cần thiết phải kết hợp 3 yếu tố gia đình - nhà trường và xã hội (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: N.TRinh

Vào giờ ra chơi, hiệu trưởng chủ động tìm gặp hỏi thăm một số học sinh lớp 3/2 về việc học tập, việc chơi với bạn nhằm mục đích gợi cho các em nói được những sự việc đang diễn ra trên lớp, những việc gì làm cho các em chán, cảm thấy khó chịu khi đến lớp cũng như những quy ước của cô giáo chủ nhiệm, cách cô quan tâm chăm sóc - dạy dỗ trẻ như thế nào?

Sau khi đã có thông tin từ học sinh, hiệu trưởng mời cô giáo chủ nhiệm lớp 3/2 lên làm việc. Đây là một giáo viên trẻ rất nhiệt tình, đã tham gia công tác được 1 năm. Hiệu trưởng đã hỏi thăm về gia đình, công việc cô được giao; tình hình dạy và tình hình tiếp thu bài của học sinh và hình thức quản lý lớp của cô. Sau khi nghe cô trình bày, hiệu trưởng nhận thấy do cô còn thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý lớp và chưa khéo léo trong giao tiếp với phụ huynh nên dẫn đến việc giáo viên - học sinh - phụ huynh chưa tìm thấy điểm chung.

Hiệu trưởng trao đổi với cô:

Thứ nhất, việc cô vận dụng các biện pháp tích cực trong quản lý lớp là tốt, đúng với tinh thần đổi mới phương pháp cũng như phù hợp với việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30 bằng cách đưa ra các nguyên tắc, quy ước với học sinh. Nhưng cô cần chú ý đến tâm lý lứa tuổi, trẻ nhỏ hiếu động, cần được động viên nhắc nhở thường xuyên. Ngoài ra cô nên cùng với học sinh thảo luận ra một bảng quy ước chung giữa cô và các em...

Thứ hai, trong quá trình giáo dục học sinh cần kết hợp 3 yếu tố gia đình - nhà trường - xã hội. Do vậy việc thiết lập và duy trì mối liên hệ giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh hết sức cần thiết với mục đích giúp cả hai nắm bắt được tình hình học tập, rèn luyện ở trường, lớp, nhà của trẻ; trên cơ sở đó hỗ trợ trẻ phát huy các điểm tốt hoặc kịp thời ngăn chặn, điều chỉnh, sửa chữa các điểm hạn chế trong học tập và rèn luyện. Vì vậy giáo viên chủ nhiệm cần hướng dẫn, trao đổi khéo léo, nhẹ nhàng, tôn trọng, mang tính hợp tác cao giữa phụ huynh với giáo viên. Bên cạnh đó cô phân tích cho phụ huynh hiểu được những mục tiêu, biện pháp, cách thức tiến hành trong hoạt động quản lý lớp để tìm được sự đồng thuận cao từ phía phụ huynh.

Thứ ba, để giúp giáo viên chủ nhiệm có tự tin trong giao tiếp, hiệu trưởng đề nghị cô nên học tập các giáo viên có kinh nghiệm trong khối.

Quản lý là một việc hết sức năng động và phức tạp. Đòi hỏi người quản lý vận dụng kiến thức về khoa học quản lý một cách khéo léo, có như vậy mới thực hiện tốt vai trò của mình. Đặc biệt người quản lý phải hết sức sáng suốt bình tĩnh, quan tâm đến đồng nghiệp trong quá trình giải quyết vấn đề sẽ tạo được uy tín đối với giáo viên, nhân viên và những người xung quanh. 

Mặt khác hiệu trưởng đã phối hợp với phó hiệu trưởng để ý nhiều về thái độ học tập của các em học sinh trong lớp, cũng như dự giờ thăm lớp (nhất là vào các tiết sinh hoạt lớp cũng như giờ giáo dục ngoại khóa). Đồng thời giao cho khối trưởng kèm cặp, kiểm tra, thường xuyên nhắc nhở…

Giáo viên tạo được niềm tin với phụ huynh

Một năm học mới nữa đã bắt đầu, từ khi sự việc xảy ra, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/2 đã có sự chuyển biến dần. Cụ thể, cô đã gần gũi hơn với học sinh, tạo được niềm tin trong mỗi phụ huynh. Năm nay cô đã tự tin vận dụng tốt các phương pháp, hình thức giáo dục mới, có hiệu quả.

Thiết nghĩ, cách giải quyết của hiệu trưởng trong tình huống trên vừa đảm bảo tính nguyên tắc trong quản lý vừa thể hiện tính nhân văn trong hoạt động giáo dục. Hiệu trưởng đã vận dụng lý thuyết Mary Parker Follett khi quan tâm đến giáo viên, sắp xếp gặp trực tiếp các đối tượng để nắm thông tin trong khi giải quyết vấn đề. Mặt khác, hiệu trưởng cũng đã vận dụng tốt học thuyết của Elton. W. Mayor khi quan tâm thỏa mãn nhu cầu tâm lý của con người. Trong tình huống này hiệu trưởng đã vận dụng linh hoạt hai học thuyết trên giúp cho cô giáo - học sinh - phụ huynh hiểu rõ vai trò trách nhiệm để đạt được chất lượng dạy - học cao nhất.

Võ Thị Thu Hà - Long Phụng Sơn