Chủ nhật, 17/2/2013, 16h02

Cô giáo Trường Sơn

Một lớp học ở Trường Sơn ngày nay

Hơn 50 năm trước, cũng như nhiều vùng quê khác ở miền Bắc, quê tôi cô giáo hiếm hoi lắm. Bởi vậy ngay từ khi học vỡ lòng, rồi tiếp theo là 4 năm cấp I, tôi đều là học trò của các thầy giáo. Mãi khi lên học cấp II, giáo viên đứng lớp theo từng môn học, tôi mới được nghe lời giảng của các cô giáo. Nhưng mới học đến giữa lớp 6, hoàn cảnh gia đình có biến động, tôi phải giã biệt trường lớp ở nhà phụ giúp bố mẹ nuôi em nhỏ. Lớn lên giữa năm tháng sôi sục chống Mỹ, trai làng tôi từ người còn đang ngồi ghế nhà trường, đến kẻ đã nghỉ học, cứ chớm tuổi 18 là xung phong ra mặt trận. Do thấp bé, nhẹ cân không đủ sức khỏe tòng quân, nên tôi đành ngậm ngùi tham gia lực lượng Thanh niên xung phong cùng các cô gái làm nhiệm vụ mở và giữ các con đường xẻ dọc, xẻ ngang Trường Sơn.
Thật may mắn, giữa đạn bom khốc liệt là thế nhưng Trung ương Đoàn và Bộ Giáo dục vẫn chăm lo cái sự học của Thanh niên xung phong một cách chu đáo. Ở đại đội nào cũng mở ra các lớp học, nhằm dạy cho tất cả đội viên khi hết nhiệm kỳ trở về quê hương đã tốt nghiệp cấp II, dễ dàng đi học một trường trung cấp chuyên nghiệp. Đại đội tôi có hai giáo viên chuyên trách, một thầy là giảng viên ĐH Hàng hải, dạy các môn tự nhiên và một cô mới tốt nghiệp hệ sư phạm 10+3 dạy các môn xã hội. Ngoài ra còn huy động một số đội viên đã tốt nghiệp cấp III đứng các lớp cấp I…
Cô giáo của tôi gốc Huế nhưng lớn lên và học hành ở tuyến lửa Quảng Bình nên tháo vát và nhanh nhẹn lắm. Cô Tuyết (tên đầy đủ của cô Nguyễn Thị Tuyết) vóc người nhỏ nhắn, có mái tóc dài quá đầu gối rất ấn tượng. Tốt nghiệp Trường Sư phạm 10+3, cô tình nguyện vào dạy cho lực lượng Thanh niên xung phong… Nên tuổi cô ngang bằng với nhiều học trò hoặc chỉ hơn một vài tuổi. Tôi học lại lớp 6 từ đầu cùng với 3 đội viên nữ khác. Lớp chỉ có 4 “mống” nhưng hiếm có buổi học sĩ số đông đủ. Dù đã có thời khóa biểu cụ thể nhưng vì sự sống của con đường nên cả địa điểm và giờ học cứ phải thay đổi xoành xoạch. Để kịp chương trình, cô giáo của tôi cứ phải chủ động bám đuổi từng cô cậu học trò bất kể ngày đêm, tận tình dạy dỗ từng áng văn, trang sử. Nhiều buổi ngoài đường tuyến về chân tay rã rời, tôi chỉ muốn ngủ vùi, nhưng cô Tuyết đã đội mưa vào lán vận động, tôi lại cố gắng đèn sách để đáp lại tấm lòng tất cả vì học trò của cô…
Trong rất nhiều kỷ niệm đẹp về cô giáo của mình ở Trường Sơn mấy mươi năm về trước, tôi mãi mãi không quên những ngày nằm hầm hộ tống bám đường tuyến, cách lán trại đơn vị gần 2km. Với lối mòn, dốc lên xuống thăm thẳm, mưa trút xuống trơn hơn đổ mỡ, chỉ cần sơ sẩy bước hụt chân là lăn lông lốc. Hơn nữa vùng trời đường tuyến lại là vùng trời mịt mù bom đạn sống chết liền kề. Nhưng tình yêu thương và trách nhiệm lớn lao với học trò của mình đã khiến cô Tuyết không ngơi nghỉ, mỗi tuần ít nhất 3 lần cô lặn lội ra hầm hộ tống ép tôi bình văn, ôn sử. Không ít lần cô ra đến nơi, quần áo lấm lem từ đầu đến chân nhưng vẫn vui vẻ một cô một trò say sưa với Hịch tướng sĩ, với chiến thắng Đống Đa…
Tôi nhớ mãi, có lần cô mới bước chân đến cửa hầm, bom thù bất ngờ ập đến, đất đá ào ào trút xuống, cô ngã dúi ngã dụi, bầm tím mặt mày… nhưng vẫn kiên nhẫn ngồi chờ tôi đi thông đường về. Đã thế, trong khi chờ học trò cô còn nấu cho cả nhóm một bữa cơm nóng sốt, và khi mọi việc đã tạm ổn, cô lại giục tôi lấy sách bút ra học. Rồi cô giáo của tôi cũng như nhiều người Trường Sơn khác, cái thân hình mảnh mai bị lũ ký sinh trùng sốt rét tìm đến đục khoét, cô phải đi nằm bệnh xá hơn chục ngày, vậy mà mới xuất viện, thân thể xanh xao, cô vẫn chống gậy ngược lối mòn ra hầm hộ tống ép tôi tiếp tục học hành.
Có được cuộc sống như hôm nay, nhiều lúc tôi tự hỏi mình, nếu ngày ấy ở Trường Sơn, không có sự nhiệt tình và lòng dũng cảm của cô giáo Tuyết liệu tôi có được học hết cấp II để từ đó tự tin bước vào đời. Dù gần nửa thế kỷ đã đi qua nhưng hình ảnh cô giáo xứ Huế dịu ngọt, vẫn ghi khắc mãi trong tôi.
Phạm Minh Dũng