Thứ bảy, 5/11/2016, 21h39

Có năng lực mới mong kiếm được nhiều tiền

Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến chăm chú lắng nghe thông tin từ Ban tư vấn sáng 5-11

Ngày 5-11, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã đến với học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến (TP.HCM). Tại đây, các chuyên gia hướng nghiệp  đã cung cấp cho học sinh những kỹ năng cần thiết để làm bài thi trắc nghiệm cũng như lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân nhằm kiếm được… nhiều tiền.

ThS. Trà Thanh Trung (Trưởng phòng ĐH, Ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐHQG TP.HCM) trấn an: “Kỳ thi THPT quốc gia 2017, thí sinh làm tối thiểu 4 bài thi, chỉ có bài thi môn ngữ văn thực hiện theo hình thức tự luận, còn lại là trắc nghiệm. Như vậy, năm 2017 có 4 môn thi trắc nghiệm lần đầu là toán, lịch sử, địa lý và giáo dục công dân. Nhiều học sinh lo lắng khi phải làm bài thi trắc nghiệm 4 môn này nhưng thực tế từ năm lớp 10, các em đã làm quen với kỹ thuật thi trắc nghiệm các môn vật lý, hóa học, sinh học”.

Từ sự phân tích này, ông Trung cho rằng dù thi theo hình thức nào cũng không làm khó học sinh nếu các em chuẩn bị tốt kiến thức, đặc biệt là kiến thức lớp 12 và rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm hàng ngày qua các bài tập, qua từng câu hỏi trắc nghiệm. “Sự rèn luyện này sẽ giúp các em vừa có kiến thức, vừa có kỹ năng để phân chia thời gian phù hợp cho từng câu trắc nghiệm, từ đó sẽ có kết quả tối ưu. Vì vậy, các em cần vạch ra kế hoạch học tập chi tiết, rèn luyện kỹ năng làm bài và giữ sức khỏe tốt trước khi thi”, ông Trung nhấn mạnh.

Hiện nay, cả nước có hơn 450 trường ĐH và CĐ, chưa tính đến các trường TC với hơn 250 ngành nghề thuộc 8 lĩnh vực chính như kỹ thuật công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học sức khỏe… Học sinh có điều kiện để lựa chọn nhiều cấp học, ngành học nhưng điều quan trọng là làm sao khoanh vùng được nhóm lĩnh vực mình yêu thích để tìm hiểu. Nói về cách chọn ngành nghề phù hợp, ông Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) lưu ý: “Các em đừng chọn ngành nghề theo ánh hào quang, cũng đừng chọn ngành nghề đặt nặng về kinh tế. Không có ngành nghề nào dễ kiếm tiền cho người lao động mà chỉ có những người thực sự có năng lực mới làm được nhiều tiền”. Từ lưu ý này, ông Nguyên đưa ra tam giác chọn nghề để học sinh tham khảo: Trước hết là phải khám phá bản thân qua làm bài thi trắc nghiệm; tham chiếu bằng cách hỏi giáo viên, người thân, người đang làm công việc mình yêu thích… và trải nghiệm thực tiễn. Đồng thời, học sinh cần xác định được đam mê và sở thích của mình có phù hợp với năng lực hay không. Ngoài ra, các em nên tìm hiểu thông tin thị trường lao động để có cái nhìn tổng thể về nhu cầu thị trường lao động trong tương lai…

Minh Châu