Thứ bảy, 25/3/2017, 01h47

Có nên cho điểm “thoáng” với học sinh lớp 12?

Quy chế thi THPT quốc gia quy định, điểm xét tốt nghiệp của học sinh lớp 12 gồm: Trung bình điểm bốn bài thi, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm tổng kết chung của lớp 12. Như vậy, điểm tổng kết trung bình chung lớp 12 có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả xét tốt nghiệp của mỗi học sinh.

Với mong muốn “tạo điều kiện” cho học sinh đậu tốt nghiệp, rộng cửa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, không ít giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 12 ở các trường phổ thông có tâm lí cho điểm “thoáng” để giúp các em có điểm trung bình chung cao, tạo lợi thế cho việc xét tốt nghiệp về sau. Tuy nhiên, dù với mục đích nào, việc cho điểm cao, không phản ánh đúng năng lực học tập thực sự của học sinh cũng sẽ là “lợi bất cập hại”.

Trước hết, việc giáo viên cho điểm “thoáng” có thể sẽ khiến học sinh lớp 12 ngộ nhận về khả năng học tập của bản thân, từ đó phát sinh tâm lí lơ là, chủ quan trong việc ôn tập, củng cố kiến thức. Đây là điều rất đáng quan ngại bởi thời gian từ nay đến khi kỳ thi chính thức diễn ra không còn xa. Với mục tiêu “2 trong 1”, kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa dùng để xét tốt nghiệp vừa là căn cứ để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Từ những kết quả đạt được sau hai lần được tổ chức, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chặt chẽ, tăng cường các khâu coi thi, thanh tra thi. Trong bối cảnh đó, nếu học sinh không chuẩn bị kỹ về nền tảng kiến thức sẽ khó có thể hoàn thành tốt bài thi. Bên cạnh đó, việc cho điểm cao, không phản ánh đúng năng lực học tập của từng đối tượng học sinh sẽ gây ra tình trạng “cào bằng”, khiến cho việc đánh giá học lực các em không còn đảm bảo tính khách quan, chính xác. Không những thế, việc nâng điểm cho học sinh lớp 12 sẽ tác động tiêu cực tới động lực và thái độ học tập của học sinh khối 10, 11; về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục chung của nhà trường. Ở một khía cạnh khác, việc nâng điểm “vô tội vạ” cho học sinh cũng là một biểu hiện của “bệnh thành tích” vốn đang được ngành giáo dục nỗ lực đẩy lùi bấy lâu nay.

Có thể nói việc sử dụng kết quả học tập của học sinh lớp 12 là một trong những thành tố để xét công nhận tốt nghiệp không nằm ngoài mục đích đánh giá quá trình học tập của các em trong năm cuối bậc học phổ thông. Do đó, việc cho điểm với học sinh cần phản ánh đúng năng lực học tập thực sự của học sinh nhằm hướng tới mục tiêu đánh giá khách quan, chính xác, công bằng. Để thực hiện tốt điều này, rất cần ý thức trách nhiệm của mỗi giáo viên và đặc biệt là sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ từ phía ban giám hiệu các nhà trường, kiên quyết không vì chạy theo thành tích mà “bật đèn xanh” hay làm ngơ để giáo viên tự ý nâng điểm “ảo” cho học sinh.

Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên Trường THPT Kim Liên, Nghệ An)