Thứ ba, 25/10/2016, 21h57

Có nhiều cách khám phá đam mê của bản thân

Ngày 25-10, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Tỉnh đoàn Đồng Nai tổ chức đã diễn ra ở 2 trường THPT Tam Phước và THPT Nguyễn Trãi (Đồng Nai). Tại đây, bên cạnh những ngành nghề truyền thống, lĩnh vực làm phim kỹ thuật số đã được nhiều em học sinh quan tâm.

Thành viên Ban tư vấn đang trả lời các câu hỏi của các em học sinh tỉnh Đồng Nai sáng 25-10-2016

Tại Trường THPT Nguyễn Trãi, một nam sinh lớp 12 mạnh dạn đặt câu hỏi: “Xem phim Tấm cám, chuyện chưa kể mới đây, em cảm thấy rất thích. Em có thể học gì để làm được phim hấp dẫn tương tự vậy?”. Ông Nguyễn Thành Tâm (Giám đốc tuyển sinh Trường Đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia) cho biết, hiện nay nhiều kỹ xảo trong phim Việt Nam đã được làm trong nước thay vì gia công ở nước ngoài như trước đây. Để theo đuổi lĩnh vực này, đầu tiên các em cần có ý tưởng tốt, óc sáng tạo và đam mê. Tại Trường Đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia, nội dung đào tạo này rơi vào học kỳ 3. Nhưng trước đó, các em cần chuẩn bị nền tảng là đồ họa 2D, kiến thức mỹ thuật, bố cục ánh sáng… Về chương trình đào tạo làm phim, các em sẽ được học từ khâu lên ý tưởng kịch bản, quay - dựng phim, làm kỹ xảo... Ở kỹ xảo cho phim, người làm cần xuất phát từ ý tưởng hay, gợi cảm hứng khám phá. Chẳng hạn phim về Tấm Cám, chuyện chưa kể đã tạo được những nét khác biệt đặc sắc so với truyện cổ tích.

“Chương trình tư vấn do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức lần này đã cung cấp những thông tin mới nhất và chuyên sâu về phương thức thi, tư vấn chọn nghề, định hướng chọn nghề, thông tin nhu cầu nhân lực, tâm lý sức khỏe, bí quyết thi hiệu quả… Đây là những nội dung mà thầy và trò nhà trường đang chờ đợi, lắng nghe, ghi nhận để phục vụ cho mục đích chọn “đúng ngành nghề” cho các em trong thời gian quan trọng sắp tới”, ông Võ Tá Tấn (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi) chia sẻ.

Ông Tâm nhấn mạnh thêm, với lĩnh vực làm phim kỹ thuật số, người học có cơ hội trở thành người biên tập phim và âm thanh, chuyên gia biên kịch, chuyên gia kỹ xảo điện ảnh, hậu kỳ… Trong khi đó, em Nguyễn Gia Huy (học sinh lớp 12) lại đặt vấn đề, hiện nay chúng em đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành, trường ĐH để vào đời. Nhưng nếu trong trường hợp chưa xác định được đam mê thì làm cách nào? Với vấn đề này, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) định hướng, có nhiều cách để khám phá đam mê của bản thân. Cuộc sống vốn nhiều màu sắc, học sinh có thể chịu sức hút của nhiều lĩnh vực hấp dẫn khác nhau. Trong trường hợp vẫn còn băn khoăn chưa xác định được đam mê để theo đuổi, các em có thể liệt kê 5 lĩnh vực bản thân thích nhất, ưu tiên sắp xếp từ trên xuống. Đồng thời, xem tổng thể lại trong thời gian qua, bản thân các em quan tâm, dành đầu tư cho lĩnh vực nào nhiều nhất. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bạn bè, người thân để nhờ mọi người đánh giá xem thấy mình phù hợp, làm tốt điều gì…, từ đó cân nhắc theo đuổi.

ThS. Trà Thanh Trung (Trưởng phòng ĐH, Ban Đào tạo ĐH và sau ĐH thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) thông tin thêm, hiện có rất nhiều công cụ thông tin, trong đó có cẩm nang tuyển sinh để học sinh nhận diện bản thân, xem tố chất nổi trội của mình là gì, phù hợp ngành nghề nào… Trên trang web của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng có chuyên mục tư vấn trực tuyến với công cụ trắc nghiệm đánh giá sở thích phục vụ học sinh tìm hiểu ngành nghề.

Tại Trường THPT Tam Phước, nhiều câu hỏi của học sinh đề cập vào vấn đề cơ hội việc làm ở địa phương trong những năm tới. Về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) thông tin, Đồng Nai là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế sôi động, theo đó, người học sẽ có nhiều cơ hội việc làm ngay tại địa phương. Tuy nhiên, thời gian tới, lao động của tỉnh nhà cũng sẽ chịu cạnh tranh với nguồn nhân lực tại nhiều địa phương khác di chuyển đến, trong đó có cả TP.HCM. Do đó, không chỉ lựa chọn ngành nghề phù hợp, người học cần trang bị vững kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ để tạo được thế chủ động trong thị trường lao động hội nhập.

Liên quan đến câu hỏi về dự kiến tổ chức thi đánh giá năng lực thêm của một số trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2017, ThS. Trà Thanh Trung cho rằng, việc kiểm tra thêm của nhiều trường thông qua đánh giá năng lực sẽ không rơi vào kiến thức lớp 12. Thay vào đó, đơn vị sẽ kiểm tra những kiến thức về kinh tế xã hội, chỉ số IQ, khả năng phân tích, tư duy của học sinh. Bài thi sẽ bao gồm việc đọc hiểu, phân tích, tư duy logic, có thể dưới hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm.

Bài, ảnh: Mê Tâm

Hỏi - Đáp

Một học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Đồng Nai) đặt câu hỏi

Em rất thích ngành cơ khí nhưng không biết cơ hội việc làm sau khi ra trường có cao không? Minh Tú (lớp 12A4 Trường THPT Lê Thánh Tôn, TP.HCM)

ThS. Nguyễn Đình Đương (Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) trả lời: Nước ta đang phát triển, theo đó khối ngành công nghiệp, kỹ thuật cũng đang phát triển; vì thế nguồn nhân lực cơ khí cần rất nhiều, cơ hội việc làm là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này đang bị thiếu vì ít người theo học, phần vì tâm lý “muốn làm thầy, không muốn làm thợ”, phần vì phải tiếp xúc với máy móc dơ bẩn. Để học tốt ngành này đòi hỏi người học phải có niềm đam mê, chịu khó, cần mẫn. Mặt khác, phải có thiên hướng học tốt khối ngành tự nhiên, đặc biệt môn vật lý.

Điều quan trọng đối với mỗi học sinh hiện tại là phải chọn đúng ngành nghề thì về sau công việc mới thuận tiện, phát triển. Trước tiên, các em phải nhận thức rõ bản thân, xem mình thuộc tuýp người nào, tố chất, năng lực ra sao, phù hợp với nhóm ngành nghề nào. Sau đó tìm hiểu kỹ về ngành nghề mình muốn theo học đang được đào tạo tại các trường; cơ hội việc làm sau khi ra trường; các chính sách hỗ trợ sinh viên... Nắm kỹ mọi thông tin, xác định đúng năng lực thì lúc này mới có hướng đi đúng đắn.

Em yêu thích và muốn theo học ngành tư vấn tâm lý nhưng gia đình nhất quyết phản đối. Vậy em phải làm sao để thuyết phục gia đình?  Anh Tú (lớp 12A2 Trường THPT Lê Thánh Tôn, TP.HCM)

ThS. Đào Lê Hòa An (Giám đốc chiến lược Trung tâm Đào tạo Ý Tưởng Việt) trả lời: Muốn thuyết phục được gia đình thì phải tìm hiểu kỹ đặc điểm của ngành tư vấn tâm lý, được đào tạo ở những trường nào, nhu cầu của xã hội, cơ hội việc làm hiện nay ra sao... thì mới có thể giải thích, thuyết phục. Tuy nhiên, bất cứ ngành nào, xác định theo là phải có niềm đam mê, phù hợp với sở thích, năng lực bản thân. Đối với tư vấn tâm lý là công việc hết sức vất vả, rất dễ căng thẳng trước những câu chuyện éo le mà người khác đưa ra và muốn được tư vấn. Để học và làm tốt sau khi ra trường, người học phải có  kỹ năng thấu hiểu, quan sát, rộng kiến thức xã hội, văn hóa thì mới có thể tư vấn được. Khoảng 5 năm trở lại đây, tư vấn tâm lý được xã hội cần đến rất lớn. Đơn cử như tham vấn học đường, quản lý nhân sự, giảng dạy các kỹ năng sống... đều cần đến tư vấn tâm lý.

N.Trinh (ghi)