Thứ năm, 15/6/2017, 23h26

Cơ sở GDNN không đủ năng lực tuyển sinh: Sáp nhập, giải thể hoặc làm cơ sở vệ tinh

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) với Giáo dục TP.HCM xung quanh việc phát triển, quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn TP trong thời gian tới.

- Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết: Ngày 9-5, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã chính thức tiếp nhận công tác quản lý Nhà nước GDNN từ Sở GD-ĐT. Sau đó Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã chủ động rà soát, xác định mạng lưới hệ thống GDNN trên địa bàn TP. Theo đó, TP hiện có 108 trường, trong đó 43 trường CĐ và 65 trường TC. Ngoài ra, sở cũng đã hướng dẫn các trường xây dựng chương trình chuyển đổi theo Luật GDNN. Phòng Dạy nghề tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới GDNN, triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng GDNN theo Quyết định số 2567/QĐ-UBND ngày 23-5-2017 của UBND TP. 

PV: Ông đánh giá thế nào về chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn TP.HCM hiện nay?

- Theo tôi, TP.HCM đã hình thành và phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề đa dạng về hình thức sở hữu và loại hình đào tạo, số lượng cơ sở tăng qua từng năm, từng bước đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn. Hiện TP.HCM có 4 trường được chọn để đầu tư trường chất lượng cao và 14 trường chọn đầu tư nghề trọng điểm.

Cơ sở vật chất, thiết bị của các cơ sở GDNN được đầu tư đáp ứng yêu cầu đào tạo. Đội ngũ giáo viên từng bước chuyển hóa về chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, tin học, năng lực sư phạm và kỹ năng dạy thực hành, nhất là giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ ASEAN và quốc tế.

Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nghiệp có hướng chuyển biến tích cực, khoảng 70% học sinh - sinh viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau tốt nghiệp. Đối với các ngành nghề thuộc lĩnh vực ưu tiên của TP, đặc biệt là các ngành nghề tiếp cận công nghệ tiên tiến như hàn, cơ điện tử, CNTT… thì tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm trên 80%.

Thực tế có một số trường nghề hoạt động không hiệu quả, vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Học sinh tìm hiểu ngành cơ điện tử tại Ngày hội hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM và Sở LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức trong tháng 5 vừa qua. Ảnh: T.An

- Có nhiều nguyên nhân nhưng tập trung ở một số nguyên nhân chính sau: Mạng lưới cơ sở dạy nghề tuy phát triển về số lượng nhưng chất lượng đào tạo chưa đồng đều. Những ngành nghề mới đòi hỏi kỹ thuật chính xác và công nghệ cao thì chưa đào tạo được. Công tác giảng dạy chưa tập trung cao vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cơ cấu ngành nghề đào tạo ở các cơ sở dạy nghề còn trùng lắp, đa số các trường đều đào tạo đa ngành, còn ít trường đào tạo chuyên về từng lĩnh vực nghề. Cơ sở dạy nghề phần đông tập trung ở đô thị.

Thiết bị đào tạo chính của nghề mang tính quyết định kỹ năng nghề nghiệp cho người học chưa tương ứng với thực tiễn công nghệ sản xuất của doanh nghiệp. Trong khi đó, chưa có chính sách thu hút các nhà đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ chiến lược lâu dài. Công tác phối hợp với các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp thanh thiếu niên chọn nghề, học nghề chưa đạt kết quả như mong muốn. Nguyên nhân nữa là trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giảng dạy tích hợp ở một số cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế.

Nhiều ý kiến cho rằng cần sáp nhập hoặc đóng cửa các trường nghề có năng lực tuyển sinh kém, ý kiến của ông thế nào?

- Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, hệ thống GDNN phải đảm bảo cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề; tập trung nâng cao chất lượng GDNN ở các ngành công nghiệp trọng yếu và xuất khẩu lao động; những ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao và có vai trò quyết định tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của TP thì chắc chắn sẽ rà soát, sắp xếp lại mạng lưới phù hợp với chiến lược, quy hoạch của địa phương cũng như khả năng đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực xã hội.

Đối với các cơ sở có năng lực đào tạo kém, tuyển sinh không đạt thì sẽ tính đến phương án sáp nhập, giải thể hoặc là cơ sở vệ tinh của các trường CĐ.

Cần nâng cấp toàn diện hệ thống giáo dục hiện có

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, để GDNN TP.HCM phát triển, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao thì trước hết phải có kế hoạch nâng cấp toàn diện hệ thống giáo dục hiện có. Theo đó, công tác dạy nghề phải đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, phát triển dạy nghề gắn với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP. Rà soát, bổ sung chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nâng cao chất lượng dạy nghề.

Đặc biệt, tiếp tục mở rộng ngành nghề, tăng số lượng và hiệu quả đào tạo theo yêu cầu sử dụng lao động ở các cấp trình độ đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. Trong đó tập trung đào tạo ngành nghề trình độ cao thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp phụ trợ và các ngành dịch vụ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Song song đó thực hiện hiệu quả phân luồng sau THCS, định hướng nghề nghiệp sau THPT. Thông tin giúp học sinh xác định lĩnh vực ngành nghề, chương trình, hình thức đào tạo để chọn lựa ngành học phù hợp. Đồng thời tăng cường tuyên truyền làm thay đổi nhận thức một bộ phận người dân “không nhất thiết phải vào được ĐH mới có thể lập thân, lập nghiệp”. Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp để xác định mục tiêu đào tạo, yêu cầu nguồn nhân lực, tổ chức cho người học thực tập, đánh giá kết quả đào tạo và giải quyết việc làm… 

Để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong GDNN trên địa bàn, theo ông, những việc cần làm ngay là gì?

- Thứ nhất, điều chỉnh mạng lưới cơ sở dạy nghề phù hợp với Luật GDNN, căn cứ trên thực tế nhu cầu của người dân và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP. Thứ hai, rà soát cơ sở dạy nghề để cơ cấu lại hệ thống các cơ sở theo hướng chuyển đổi ngành đào tạo, giải thể, sáp nhập, chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu của các trường có uy tín để sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư và đội ngũ giáo viên, giảm thiểu cơ sở không đảm bảo chất lượng. Thứ ba, tăng  cường đầu tư phát triển trường nghề chất lượng cao, các trường có nghề trọng điểm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, nhất cộng đồng kinh tế ASEAN. Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động dạy nghề và liên kết, hợp tác với nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nghề.

Xin cảm ơn ông!

Trần An (thực hiện)