Thứ sáu, 6/5/2011, 15h05

Coi chừng chết vì thoát vị

Do bệnh tồn tại trong khoảng thời gian dài mà không ảnh hưởng gì đến chức năng cơ thể, cũng như không gây khó chịu đáng kể nên có không ít người nhầm tưởng bệnh thoát vị không nguy hiểm. Thực tế điều trị đã ghi nhận có trường hợp bị biến chứng nặng, tử vong do chậm trễ điều trị.

Các loại thoát vị vùng bụng
Thoát vị là từ dùng để chỉ tình trạng một bộ phận nào đó của cơ thể bị đẩy ra khỏi vị trí bình thường được giới hạn của nó trong cơ thể. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến cấu trúc hay chức năng của bộ phận đó hoặc các bộ phận khác. Ở vùng bụng có thể có những loại thoát vị sau:
Thoát vị thành bụng: một chỗ thành bụng có lớp cân cơ bị hở hoặc yếu (do vết sẹo mổ hoặc chấn thương, do bẩm sinh) làm ruột hoặc mỡ chài lòi ra qua chỗ yếu này và đội da bụng phồng lên thành một khối.
Thoát vị rốn: rốn là một sẹo tự nhiên của cơ thể. Nếu sau khi cuống rốn rụng, sự lành sẹo chỉ xảy ra ở lớp da, còn lớp cân cơ thì không liền sẹo chắc, sẽ xảy ra thoát vị qua chỗ yếu này (kiểu thoát vị thành bụng). Trẻ nhỏ khóc nhiều, ho nhiều làm tăng áp lực ổ bụng là điều kiện thuận lợi để bị thoát vị rốn.
Thoát vị bẹn: dân gian còn gọi là bệnh ruột thòng, sa ruột. Trong bệnh này, chỗ yếu của thành bụng là vùng bẹn, ruột và mỡ chài chui qua đó, có thể xuống đến bìu. Đây là loại thoát vị thường gặp nhất do bẹn là vùng mà cơ thành bụng không bao bọc kín, vì phải cho thừng tinh đi qua từ bụng xuống bìu, mỗi người đều có đến hai bẹn (phải và trái).
Thoát vị đùi: là thoát vị qua “lỗ đùi”, phồng ra vùng đùi ngay dưới nếp bẹn.
Ngoài ra còn phải kể đến “thoát vị bên trong” là thoát vị qua các khe, lỗ bẩm sinh hay mắc phải bên trong ổ bụng. Bệnh không biểu hiện thành khối phồng lên ngoài thành bụng, nên bệnh nhân hoàn toàn không hay biết trước khi có các biến chứng xảy ra.
Cảnh giác khối phồng bất thường
Ngoài loại thoát vị bên trong, các loại thoát vị còn lại rất dễ nhận biết bởi sự xuất hiện một khối phồng lên bất thường ở các vị trí thành bụng, tương ứng với chỗ thoát vị. Khối này mềm, lùng nhùng, không đau hay chỉ cảm giác tưng tức nếu không bị biến chứng nghẹt. Khi đi đứng, ho rặn thì khối thoát vị xuất hiện và to ra. Khi nằm nghỉ thì tự nhỏ lại hoặc biến mất. Đôi khi phải dùng tay đẩy ép mới đẩy được khối thoát vị biến vào trong bụng. Các vị trí thoát vị thường là vùng bẹn một hay hai bên, có thể xuống bìu, vùng rốn, vùng vết mổ ở bụng. Nếu tồn tại lâu, khối thoát vị có thể bị kẹt lại và lúc nào cũng phồng, không đẩy xẹp được. Trường hợp biến chứng nghẹt thì bệnh nhân rất đau ở khối thoát vị, kèm theo có thể có những biểu hiện tắc ruột như đau quặn bụng, nôn ói, bí trung đại tiện, trướng bụng. Nặng hơn nữa có thể nhiễm trùng, nhiễm độc và choáng.
Bệnh thoát vị có thể tồn tại trong khoảng thời gian dài mà không ảnh hưởng gì đến chức năng cơ thể và không gây khó chịu đáng kể. Tuy nhiên, không sớm thì muộn sẽ gây ra những hậu quả ở những mức độ khác nhau. Khối thoát vị lớn dần theo thời gian gây cảm giác căng tức và vướng víu khó chịu trong sinh hoạt. Khối này kẹt không xẹp xuống được mà lúc nào cũng phồng to, gây khó chịu và mất thẩm mỹ. Biến chứng nghẹt là hậu quả nghiêm trọng nhất, gây hoại tử thành phần bên trong túi thoát vị (ruột, mỡ chài) làm bệnh nhân đau dữ dội, và thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không phẫu thuật cấp cứu kịp thời.
Có chữa khỏi thoát vị?
Điều trị khỏi bệnh thoát vị chỉ có một chọn lựa duy nhất là phẫu thuật. Những trường hợp có chống chỉ định phẫu thuật không thể mổ (bệnh nhân có bệnh khác quá nặng, thể trạng quá suy kiệt, rối loạn đông máu bẩm sinh...) thì không chữa khỏi mà chỉ dùng những biện pháp giảm nhẹ như mặc quần thun ôm sát vùng bẹn nếu thoát vị bẹn, mang đai bụng nếu thoát vị thành bụng, hạn chế gắng sức, điều trị các chứng bệnh gây tăng áp lực bụng.
Ngoại trừ biến chứng nghẹt phải mổ cấp cứu, bệnh thoát vị không cần phải mổ gấp. Tuy nhiên, bệnh không thể chữa khỏi nếu không phẫu thuật nên cần phải mổ càng sớm càng tốt. Nếu để lâu, khối thoát vị sẽ lớn dần và khó phẫu thuật hơn, chưa kể nguy cơ biến chứng nghẹt có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nên mổ mở hay mổ nội soi?
Ngày xưa có rất nhiều phương pháp phẫu thuật thoát vị bẹn, bụng theo kỹ thuật mổ mở. Tuy nhiên, các phương pháp này đều có một hạn chế chung là tỷ lệ tái phát khá cao, từ 5 – 10%. Hiện nay, nhờ công nghệ tiên tiến chế tạo ra các mảnh ghép nhân tạo để đặt vào diện yếu của vị trí thoát vị, kết quả phẫu thuật cải thiện hơn nhiều. Đặt các mảnh ghép này có thể qua phẫu thuật mở hoặc nội soi.
Mổ nội soi ngoài ưu điểm sẹo mổ nhỏ, ít đau, mau bình phục còn có ưu điểm nổi bật là không có tái phát nếu mổ đúng kỹ thuật. Đa số trường hợp đều có thể mổ nội soi, ngoại trừ trẻ em và các trường hợp thoát vị kẹt hoặc nghẹt. Mổ mở cũng rất nhẹ nhàng và kết quả tốt ở trẻ em.
TS.BS Đặng Tâm / SGTT