Thứ bảy, 20/1/2018, 20h09

Coi chừng dính bẫy khuyến mãi

Vào dịp cận Tết, nhu cầu mua sắm của người dân lại tăng cao. Mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều về các chiêu thức, các mánh lừa đảo khác nhau nhưng vẫn có nhiều người cả tin dính bẫy.

Những tấm biển bán hàng hạ giá xuất hiện trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM mùa cận Tết Nguyên Đán

“Hoa mắt” với hàng khuyến mãi

Vào những ngày này, từ các trung tâm thương mại lớn đến các cửa hàng có thương hiệu, các điểm bán hàng trên vỉa hè lúc nào cũng tấp nập cảnh mua, bán. Trên địa bàn TP.HCM, dọc nhiều tuyến đường, không khó để nhìn thấy các cửa hàng treo biển giảm giá 20-50%, thậm chí có mặt hàng còn giảm 70% để thu hút khách.

Đây cũng là thời điểm các khách hàng dễ bị lợi dụng thông qua những chiêu mua hàng khuyến mãi, giảm giá... Chính vì bị thu hút từ những tấm biển giảm giá khủng, xả hàng, thanh lý toàn bộ... tập trung ở các mặt hàng may mặc, điện gia dụng, điện máy... mà không ít khách hàng nhận về hàng kém chất lượng, hư hỏng.

Chị Trần Mai Nga (ngụ Q.10, TP.HCM) chia sẻ: “Cuối tuần qua, tôi chạy ngang qua đường CMT8 (Q.10) thấy bán hàng điện gia dụng giảm giá nên ghé vô mua một cái quạt. Vì tin lời nhân viên nói là hàng tồn kho bán giảm giá 50% nên tôi quyết định mua mà không chần chừ. Về nhà sử dụng được 2 ngày thì quạt bị hư, tôi đem ra cửa hàng thì nhận được câu trả lời là hàng khuyến mãi không thể đổi lại được”. Sự ấm ức của chị Nga cũng là sự ấm ức của nhiều khách hàng khác khi họ trót mua hàng khuyến mãi bị lỗi mùa cận Tết.

Các khuyến mãi giảm giá rầm rộ mùa cận Tết khiến người tiêu dùng “hoa mắt”. Theo phản ảnh của một số khách hàng, lợi dụng tâm lý ham đồ giá rẻ mùa cận Tết của người dân, nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh đã sử dụng các chiêu lừa khuyến mãi “sâu”, giảm giá “khủng” để bán những mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hàng lỗi cho khách. Vội vàng mua đồ khuyến mại giá rẻ có lẽ là một trong những phương thức lừa đảo mà người tiêu dùng tự mua “trái đắng” về cho mình.

Cẩn thận không thừa

Tết Nguyên Đán Mậu Tuất đang đến rất gần, nhu cầu mua sắm của người dân ngày một tăng cao. Một thực tế không thể phủ nhận là các mặt hàng khuyến mãi, giảm giá luôn có sức hấp dẫn thật khó chối từ.

Người tiêu dùng cần xây dựng thói quen tiêu dùng thông minh, tập trung vào những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cần thiết, hạn chế việc mua hàng chỉ vì mặt hàng đó “được giảm giá”. Tại nhiều trang web, đồng ý mua hàng đồng nghĩa với việc đồng ý với điều khoản mua hàng. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, người tiêu dùng phải tham khảo kỹ phần này. Mùa cận Tết, người tiêu dùng cần tỉnh táo hơn nữa để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng rồi ôm bực vào thân.

Theo anh Phan Văn Đại, một chủ cửa hàng kinh doanh đồ điện tử, điện lạnh trên đường Tô Hiến Thành (Q.10): “Dù giá khuyến mãi có giảm ở mức 50% thì một số mặt hàng khi bán ra dưới hình thức đã giảm giá, chủ cửa hàng vẫn có lãi, bởi giá bán đã được đẩy lên cao. Mùa cận Tết, nhiều chủ cửa hàng thường sử dụng chiêu thức khuyến mãi lớn để thu hút khách hàng nhưng khách hàng cần cẩn trọng nếu không sẽ có thể mua về sản phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm lỗi”.

Không chỉ với các sản phẩm điện gia dụng, điện máy mới xảy ra tình trạng này, các mặt hàng may mặc cũng đứng ở “top” đầu cảnh báo cho khách hàng về nguy cơ mua hàng kém chất lượng. Luôn tự tin về sự sành điệu, hợp thời trang của mình nhưng chị Thu Nga (ngụ Q.3) vẫn ấm ức khi mua phải hàng nhái ở một cửa hàng thời trang nổi tiếng. Khi đến mua quần áo ở một cửa hàng thời trang, chị không phát hiện được cửa hàng đó trộn hàng kém chất lượng vào các sản phẩm giảm giá. Có mặt hàng thì họ đẩy giá gốc cao gấp 2-3 lần giá trị thật rồi quảng bá rầm rộ với mức sale lên đến 50% nên đã làm chị bị thu hút. Những câu chuyện mua hàng khuyến mãi, giảm giá cuối năm đã được cảnh báo từ lâu nhưng không ít khách hàng vẫn bị “mê hoặc” để rồi khi nhận ra thì đã muộn.

Đáng chú ý, nhiều khách hàng “tố” những trang bán hàng trực tuyến có thương hiệu lớn vẫn tổ chức chương trình khuyến mãi ảo rồi đơn phương hủy đơn hàng không có lý do xảy ra khá phổ biến.

Thiết nghĩ, người tiêu dùng cần xây dựng thói quen tiêu dùng thông minh, tập trung vào những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cần thiết, hạn chế việc mua hàng chỉ vì mặt hàng đó “được giảm giá”. Tại nhiều trang web, đồng ý mua hàng đồng nghĩa với việc đồng ý với điều khoản mua hàng. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, người tiêu dùng phải tham khảo kỹ phần này. Mùa cận Tết, người tiêu dùng cần tỉnh táo hơn nữa để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng rồi ôm bực vào thân.

Bài, ảnh: Thục Quyên