Thứ bảy, 13/6/2009, 17h06

Coi chừng tử vong vì say nắng

Nếu thấy mệt xỉu, khó thở, mặt đỏ dừ, tim đập dồn dập khi đang đi nắng hoặc mới ở ngoài nắng về nghĩa là bạn bị say nắng, hiện tượng có thể gây chết người.
Say nắng là hiện tượng rất dễ xảy ra trong những ngày nắng nóng gay gắt. Trái với ý nghĩ của nhiều người rằng say nắng chỉ là “chuyện vặt”, bác sĩ Phạm Mạnh Thân, Bệnh viện Xanh Pôn, khẳng định, đây là một biểu hiện cấp cứu, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong nếu bị nặng và không được xử lý đúng cách, kịp thời.
Triệu chứng say nắng là vã mồ hôi, nhức đầu, khó chịu, mệt như sắp lả đi, mặt đỏ, hơi khó thở, các mạch máu đập nhanh và mạnh, thân nhiệt tăng cao.  Nếu nặng hơn, bệnh nhân thấy đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, nôn, mặt tái nhợt, nghiêm trọng hơn là co giật, ngất xỉu, truỵ tim mạch, ngừng thở... 
 
Nguyên nhân gây ra tình trạng trên là nắng nóng chiếu vào người làm thân nhiệt tăng cao đột ngột, vượt quá khả năng cân bằng nhiệt của cơ thể, gây rối loạn hoạt động của các cơ quan, đặc biệt là hệ thần kinh.
Say nắng càng dễ xảy ra nếu bạn bị nắng chiếu thẳng vào gáy, nơi có trung tâm điều nhiệt của cơ thể (giúp thân nhiệt luôn cân bằng). Do đó, các bác sĩ khuyên người dân khi ra đường không chỉ đội mũ, đeo khẩu trang và mặc áo chống nắng để bảo vệ đầu, mặt, tay chân mà còn nên chú ý đến phần gáy. Nhiều người tuy che chắn rất kỹ nhưng phần gáy bị hở nên vẫn bị say nắng.
Ngoài ra để phòng say nắng, nên hạn chế tối đa thời gian đi lại hay làm việc ngoài trời. Uống nhiều nước, nếu ra mồ hôi nhiều thì bù cả điện giải (như nước có pha chút muối).
Làm gì khi bị say nắng?
Trước hết, bệnh nhân cần được vào nghỉ ở nơi thoáng mát, tìm cách hạ nhiệt bằng cách bớt quần áo, nới thắt lưng hay các dây áo lót, quạt nhẹ và chườm mát khắp cơ thể (dùng khăn thấm nước lạnh). Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được uống nước oresol hoặc nước lạnh pha đường, muối.
Nếu đã làm các thao tác trên mà thân nhiệt bệnh nhân không giảm, triệu chứng nặng hơn thì phải đưa đến bệnh viện, trên đường đi vẫn phải dùng khăn ướt để lau da.
Theo Đất Việt