Thứ sáu, 29/4/2016, 21h53

Coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế

Ai xây dựng đất nước? Chính là toàn quân, toàn dân xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng nhưng đi đầu, tiên phong là cộng đồng doanh nghiệp (DN). DN giải quyết việc làm cho người lao động, là những tế bào để tạo GDP.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp hình lưu niệm với các DN bên lề hội nghị

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy trong Hội nghị “DN - Động lực phát triển kinh tế” được tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM. Cùng tham dự hội nghị có 4 phó thủ tướng và lãnh đạo các địa phương, bộ, ban ngành. Hội nghị cũng có sự tham gia của 300 DN tư nhân, gần 100 DN đầu tư trực tiếp nước ngoài và DN Nhà nước...

Mỗi ngày có hơn 255 DN giải thể

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp (VCCI) tâm tư: 15 năm trở lại đây, kể từ ngày có Luật DN, nước ta đã có 941.000 DN được đăng ký thành lập. Nhưng tính đến ngày 31-12-2015, cả nước chỉ còn 513.000 DN (chiếm 54,5%), 428.000 DN ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lí do khác nhau (chiếm 45,5%). Điều đáng nói là khoảng một nửa số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể diễn ra chỉ trong vòng 3 năm gần đây và vẫn đang có xu hướng gia tăng. Riêng quý I/2016 có gần 23.000 DN ngừng hoạt động và giải thể, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước.

Hiệu quả hoạt động của DN cũng cho thấy bức tranh không mấy lạc quan. Trong số các DN đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015, 42% DN hoạt động có lãi, hơn một nửa (58%) DN thua lỗ hoặc hòa vốn. Theo kiến nghị của VCCI, Chính phủ cần phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” cho DN.

Theo ông Lộc, trong 5 năm tới Nhà nước nên xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp, 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển DN.

Bỏ những thủ tục dễ đẻ ra giấy phép con

Chia sẻ thẳng thắn tại hội nghị, ông Diệp Dũng - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho rằng: Sau 9 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các DN đang đứng trước cơ hội và thách thức to lớn trong lĩnh vực bán lẻ. Bán lẻ hiện đại chiếm 25% thị phần bán lẻ, khắc phục những nhược điểm của bán lẻ truyền thống, từng bước mở rộng tới thị trường nông thôn. Đóng góp vào GDP của ngành bán lẻ đạt trên 3,2 triệu tỉ đồng. Cộng đồng DN và chuyên gia kinh tế nhận định, ai nắm được thị phần và điểm bán lẻ sẽ nắm được không gian kinh tế của quốc gia, kể cả không gian điều chỉnh của hoạt động của Chính phủ. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là các nhà thương thảo hiệp định trong nước còn non trẻ, nên cần có thời gian và lộ trình để bảo vệ bán lẻ trong nước. Nhưng việc triển khai, cụ thể hóa như thế nào thì còn chậm, dù DN không ngại cạnh tranh một cách công bằng.

Từ thực tế này, ông Dũng đề xuất: “Chính phủ cần xem xét xây dựng, thành lập chiến lược quốc gia về bán lẻ đến năm 2020, trong đó  xây dựng 20 DN bán lẻ trong nước có thực lực để cạnh tranh...”.

Đồng quan điểm, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) - kiến nghị: Dưới luật chỉ nên có một nghị định, hạn chế và bỏ thông tư vì chính thông tư đã đẻ ra giấy phép con. Ngoài ra, cần có cơ chế giám sát cán bộ công chức vô cảm, nhũng nhiễu người dân.

“Luật DN ban hành đã hơn 10 tháng nhưng có khoảng trống chưa được hướng dẫn. Luật Phá sản ban hành đã lâu nhưng đến nay mới có 336 đơn phá sản như vậy là quá ít. Tình trạng DN như “xác sống” rất lớn ở VN. Bên cạnh đó thuế và hải quan đăng ký điện tử tốt nhưng phải kiểm chứng từ DN, chứ không nên chỉ dựa vào báo cáo của các bộ, phải nghe từ DN”, ông Trần Bắc Hà nêu ý kiến.

Thay mặt các DN, ông Lộc cũng bày tỏ mong muốn, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ sẽ xây dựng một Chính phủ hành động vì dân.

Đảm bảo quyền tự do, bình đẳng trong kinh doanh

Kết luận hội nghị, Thủ tướng chia sẻ: “Hiện Đảng, Nhà nước đang hết sức mình quan tâm, tạo điều kiện cho DN phát triển, ban hành nhiều chính sách phát triển nên DN Việt Nam đã phát triển mạnh. Tuy nhiên, bắt đầu giai đoạn mới, chúng ta cũng cần nhìn nhận thực chất bức tranh hiện tại. Môi trường kinh doanh hiện nay còn tồn tại nhiều cản trở phát triển DN… Để giải quyết những vấn đề trên, về phía DN phải giải quyết, cố gắng đổi mới, phát triển. Chính phủ bảo đảm quyền tự do, bình đẳng trong kinh doanh của DN, trừ lĩnh vực kinh doanh hạn chế theo luật. Các bộ, ngành khi ban hành chính sách phải bảo đảm người đứng đầu chịu trách nhiệm với chính sách ban hành, rõ ràng, thống nhất của các quy định đề ra. Phải có chính sách hỗ trợ khối DN vừa và nhỏ phát triển, coi DN tư nhân là động lực phát triển kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải giảm dần, tiến tới xóa bỏ các loại giấy phép con, phụ phí bất hợp lý. Bỏ các quy định cũ, trái tinh thần Luật Đầu tư và Luật DN mà Quốc hội đã thông qua. Rà soát lại các chính sách, quy định về sản xuất, kinh doanh, bãi bỏ các chính sách không phù hợp, loại bỏ các văn bản bất hợp lý...”.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành tạo sân chơi cho DN, tạo môi trường phát triển, bảo vệ lợi ích hợp pháp của DN. Lãnh đạo các cơ quan hành pháp, tư pháp phải phối hợp để thực thi các chính sách hỗ trợ DN phát triển.

Sau Hội nghị DN Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm việc với các bộ ngành, địa phương để bàn cách xử lý, giải quyết những kiến nghị của DN đưa ra tại hội nghị. Đặc biệt, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề “DN Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.

Bài, ảnh: Lê Quang Huy