Thứ bảy, 17/10/2009, 14h10

Còn bị trói buộc, còn chậm phát triển

Tại Hội thảo “Đại học nào cho thế kỷ 21?”, các đại biểu tham dự cho rằng chừng nào còn bị trói buộc bởi cơ chế quản lý áp đặt như hiện nay, các trường đại học còn chưa thể phát triển được.
Một giờ học của sinh viên đại học.
“Vấn đề bức thiết nhất đối với quản trị ĐH Việt Nam là khắc phục sự yếu kém về chất lượng đào tạo bắt nguồn từ nền tảng lý luận, cơ chế quản lý cứng nhắc, áp đặt, hạn chế quyền tự chủ của các trường đến quan điểm về chất lượng, thiết kế chương trình, phương pháp dạy và học”, PGS - TS Trần Thượng Tuấn, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết.
Cũng theo GS Tuấn, một trường ĐH bị trói buộc bởi những quy định thì không thể tự chủ áp dụng linh hoạt các chương trình đào tạo của các trường ĐH có tiếng trên thế giới, khó gắn kết với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho sinh viên (SV) sau khi ra trường. Trong khi đó, mục đích của phần đông SV khi học ĐH là kiếm được một công việc ổn định với những gì mà họ được học.
Bà Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng, không nên dùng những khuôn mẫu để ép trường này phải giống mô hình trường kia.
Nếu bớt cái nhìn khắt khe vào mỗi trường, để họ tự chủ áp dụng phương pháp đào tạo riêng của mình thì các trường ĐH sẽ thanh thản hơn mà lo cho sinh viên. Hành trường bằng cách quản lý cứng nhắc đã khiến ĐH gánh thêm rất nhiều mệt mỏi.
Bà đồng tình với ý kiến của hầu hết các ĐB cho rằng, yêu cầu việc làm cho sinh viên phải đặt lên đầu, thực tế có rất nhiều SV chấp nhận đi học xa, mức học phí cao, chương trình dạy khắt khe nhưng ở đó họ sẽ được va chạm với thực tế nhiều, được tiếp nhận những cái mới mà trước đó không có điều kiện tìm hiểu.
Hầu hết các ĐB đều thống nhất, một trường ĐH thoát khỏi tính hành chính nặng nề sẽ có điều kiện phát triển hơn.

ĐH không chỉ là giáo dục

Nhiều ĐB tham dự hội thảo đều cho rằng, ĐH không thể hiểu chỉ có mình chức năng giáo dục. Nó còn phải góp phần tạo ra sự phát triển văn hóa, công nghệ và công bằng xã hội.
Ông Brian Murphy - Hiệu trưởng trường ĐH cộng đồng De Anza, California (USA) - dẫn chứng: “Ở Chile, có Trường ĐH được thành lập dành cho những người đánh cá bên bờ biển. Tất nhiên, sẽ có một phương pháp dạy riêng cho đối tượng này. Chú ý đến nhiều đối tượng trong xã hội và phục vụ nhu cầu học tập của họ là các trường đang thực hiện chức năng xã hội của mình”.

 

Đặng Trinh (TPO)