Thứ bảy, 17/6/2017, 19h54

Con cái không phải là “đồ trang sức”!

Không phải là chuyện hiếm vì bây giờ nhiều phụ huynh vẫn còn coi con cái là món đồ “trang sức” của mình để “khoe”, để “hãnh diện” với cơ quan, với bạn bè, với lối xóm… Vì thế, mặc dù con cái học lực “thường thường bậc trung” nhưng cũng chạy ngược chạy xuôi tìm thầy giỏi dạy kèm (có thể nhờ cậy bằng các mối quan hệ, thậm chí cả phong bì) để vào được trường chuyên lớp chọn, trường danh tiếng cho gia đình nở mặt nở mày. Một khi không hiểu, không nắm được học lực, nguyện vọng con cái mà cứ bắt buộc các em phải “chạy” theo sự định hướng của phụ huynh thì sẽ xảy ra nhiều hậu quả khó lường.

Nhớ câu chuyện xảy ra trong trường chuyên của tỉnh nọ, có em học sinh lớp 10 (mới vô lớp đầu cấp) nhưng đã tỏ ra… bất hợp tác với thầy cô, không chịu học. Hết tháng đầu, nhà trường mời phụ huynh đến trao đổi (có cả học sinh đó) thì em đã nói thẳng với phụ huynh rằng: “Con vô đây học vì ba mẹ ép con thi vào, nhưng con thấy ở đây con không thể học nổi, không theo kịp bạn bè”.

Một chuyện khác bi hài hơn. Cậu con trai “bị” ba mẹ kiên quyết bắt thi vào trường chuyên trong lúc em muốn học một trường khác. Lúc thì dụ dỗ, lúc thì hù dọa và cuối cùng em cũng ngoan ngoãn đi thi. Điều phụ huynh không lường được là em làm bài văn chừng mươi dòng rồi bỏ (mặc dù trúng tủ, học ôn khá kỹ) để cho… bị rớt và còn có cơ hội thi vào trường khác tổ chức mấy ngày sau đó!

Sự sĩ diện hão của phụ huynh nhiều phen gây khổ sở cho con cái là thế! Với nhà trường, nhiều phen còn xất bất hơn với những phụ huynh có máu sĩ diện này. Thông thường, cuối học kỳ, cuối năm học có họp phụ huynh để nhà trường thông báo kết quả học tập, rèn luyện. Con cái học lực giỏi, hạnh kiểm tốt thì không sao nhưng nếu được học lực khá, trung bình thì bắt đầu có chuyện. Các vị đứng lên chất vấn với lời lẽ gay gắt với giáo viên chủ nhiệm rằng: con họ thi đầu vào lớp 10 đạt kết quả cao, học ở cấp dưới (THCS) đạt toàn điểm 9, điểm 10… Vô đây thầy cô dạy thế nào, đào tạo thế nào mà nó bị rớt xuống loại khá, trung bình?

Bên cạnh đó, việc phân luồng ở bậc THCS còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của phụ huynh. Sự tác động của xã hội, của lối sống hưởng thụ bên ngoài đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý phụ huynh nên họ muốn con cái khỏi phải lao động chân tay mệt nhọc mà vẫn có nhiều tiền tiêu xài (!).

Điều quan trọng hơn là họ muốn lấy con cái làm đồ “trang sức”, để tỏ rõ đẳng cấp của mình trong xã hội là “có con học ở trường trọng điểm, trường chuyên”. Nhưng họ đâu biết nỗi khổ sở của các món đồ “trang sức”, vì ba mẹ mà phải gồng mình học đến mụ mị cả người.

Hồng Lam Sơn