Thứ bảy, 17/9/2016, 20h21

Còn đồng hành với “đồng tiền chua”

Bản thân là nhà giáo nay đã về hưu, trong khoảng thời gian còn đứng lớp, tôi cũng từng dạy thêm và cũng nằm trong diện “theo dõi” của xã hội. Khi còn chế độ bao cấp, cụm từ “dạy thêm, học thêm” còn lạ lẫm với nhiều người, có chăng chỉ có từ “dạy kèm”. Khi đất nước chuyển mình sang nền kinh tế thị trường, có nhiều người ăn nên làm ra và lúc này họ mới quan tâm nhiều đến việc học hành của con cái và cũng từ đó nhu cầu dạy thêm, học thêm mới thực sự bùng nổ như là một quy luật cung - cầu của cuộc sống. Nhìn từ góc độ của những nhà giáo chân chính sống-bằng-nghề-dạy-thêm thì không có gì phải bàn, nhưng oái oăm thay, có nhiều thầy cô sa đà nhân cơ hội này dùng nhiều “chiêu” để biến việc dạy thêm, học thêm trở thành gần như một “tệ nạn” bức bối của xã hội, làm nên một mảng tối của ngành giáo dục mà chính những người trong ngành cũng cảm thấy hổ thẹn, xót xa.

Đọc bài Đồng tiền “chua” của tác giả Lê Hoàng Sa (ngày 16-9), tôi rất tâm đắc và cảm thông cho những người thầy đang “cải thiện thêm” cho cuộc sống gia đình bằng sức lao động chân chính của mình và phẫn nộ với những người thầy vô cảm đã và đang lợi dụng vấn đề dạy thêm để lấp đầy hầu bao của mình, không nghĩ đến tình cảnh đáng thương của một số học sinh con gia đình nghèo. Thực ra mà nói, việc cấm dạy thêm, học thêm trong thực tế không phải là sai, vì trên một bình diện nào đó, nó trả lại thanh danh cho thầy cô giáo và tránh được những điều không hay của búa rìu dư luận; nhưng nhìn một cách toàn cục thì nó vẫn chưa ổn khi học sinh còn có nhu cầu củng cố, nâng cao kiến thức và áp lực từ các cuộc thi vẫn còn hiện hữu. Bên cạnh đó, khi mà trong thực tế người thầy vẫn chưa sống được bằng tiền lương của mình thì các thầy cô giáo chân chính bằng cách này hay cách khác vẫn còn phải đồng hành với “đồng tiền chua”…

Hòa Nhơn