Thứ ba, 8/12/2015, 11h57

Cơn mê cuối cùng lấy nước mắt khán giả Sài Gòn

Cơn mê cuối cùng (TG Ngọc Linh) không xa lạ với khán giả đầu những năm 2000 và sau đó trở thành Tục lụy ở sân khấu Hoàng Thái Thanh năm 2012.

Trở lại trên sân khấu đoàn cải lương Nhân dân Kiên Giang, Cơn mê cuối cùng phiên bản cải lương (TG Hoàng Song Việt chuyển thể, ĐD Trần Minh Ngọc) có nhiều điều khác biệt và sức hút riêng.

Sân khấu được thiết kế đẹp với hình ảnh rặng dừa soi mình bên sông, hiện lên cuộc sống của ông bà Hai Khương với Dũng - người con trai duy nhất và cậu Út Hơn nửa điên nửa tỉnh do súng đạn thời chiến tranh. Bỗng một ngày Dũng cứu sống Mận trong cơn lũ, Mận được ông bà Hai Khương yêu thương như con gái ruột…

Bi kịch đã xảy ra, ông bà Hai Khương, Mận, Út Hơn phải chấp nhận nín lặng và ôm trong lòng bí mật với ước ao giá như sự nhẫn nhịn, chịu đựng của mình có thể bảo vệ được cho những người mình yêu thương.

Con me cuoi cung lay nuoc mat khan gia Sai Gon
Cơn mê cuối cùng đã để lại ấn tượng đẹp

Trong vai Út Hơn, NSƯT Thanh Nam gây bất ngờ bằ ng hình ảnh hoàn toàn khác so với những gì mọi người vẫn hình dung về ông. Út Hơn làm khán giả bật cười thích thú với những câu thoại tỉnh queo của đứa trẻ con trong hình hài người đàn ông trưởng thành; và xót xa trước ánh mắt đau đớn, khuôn mặt thất thần của Út Hơn khi nghe chòm xóm, láng giềng mắng chửi vì tội lỗi tày trời mà mình hoàn toàn vô can.

NSƯT Thanh Nam “sống” với Út Hơn không chỉ bằng tài năng diễn xuất, bằng sự nhạy cảm của trái tim, mà còn bằng trải nghiệm của cuộc đời, của nghề nghiệp. Tinh tế, chắt lọc trong từng hành động sân khấu, cách biểu lộ cảm xúc, tâm trạng… Út Hơn là một dấu nhấn khó quên trong hành trang làm nghề của NSƯT Thanh Nam.

Ông Hai Khương của Bình Trọng (giải ba cuộc thi Chuông Vàng vọng cổ 2010) cũng gây bất ngờ. Sở hữu giọng ca khỏe, âm vực rộng, giàu cảm xúc, Bình Trọng thể hiện bản lĩnh sân khấu vững vàng và khả năng giữ mạch tâm lý rất chắc để trở thành ông Hai Khương với những khắc khoải, giày vò đớn đau.

Phối hợp ca diễn nhịp nhàng, ông Hai Khương của Bình Trọng cho khán giả thấy thương nhiều hơn giận với bài học xương máu: “Chỉ một sai lầm, dù trong tình trạng vô thức, cuộc đời một con người có thể sẽ bị nhấn chìm xuống vực sâu, kéo theo bất hạnh của những người thân xung quanh mình”.

Sở trường về giọng ca của Thu Vân (vai Mận) và Bùi Trung Đẳng (vai Dũng) được tác giả chuyển thể Hoàng Song Việt khéo léo khai thác thành công, thể hiện qua những tràng vỗ tay và tiếng trầm trồ khen ngợi khi cả hai dứt câu vọng cổ. Thu Vân còn có những lớp diễn được viết lại như “đo ni đóng giày” theo khả năng của cô, giúp cô đào trẻ bộc lộ tối đa khả năng.

NSƯT Thanh Nam có “chơi sang” khi đưa “đoàn hát tỉnh” lên biểu diễn ở Nhà hát Thành phố? Ông nói ông rất tự tin với khả năng, nhiệt huyết của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên đoàn cải lương Nhân dân Kiên Giang và mong muốn thường xuyên giới thiệu những vở cải lương được đầu tư nghiêm túc, những nghệ sĩ tài năng và khát khao cống hiến, với khán giả TP.HCM. Chuyến đi mang Cơn mê cuối cùng phiên bản cải lương này xem như lần thăm dò để hiện thực hóa kế hoạch mỗi tháng một suất diễn ở TP.HCM của đoàn.

 

Thảo Vân/ PNO