Thứ ba, 22/8/2017, 21h55

Con muốn học nghề…

Con trai tôi học lớp 11. Cháu thường xuyên bỏ học, vợ tôi biết nhưng giấu tôi vì…thương con. Tôi đi làm xa nhà nên không thể giám sát, giáo dục con chu toàn. Một lần, nghe cô giáo gọi điện thông báo cháu nghỉ học không lý do, tôi tức tốc xin cơ quan nghỉ phép để về nhà. Không thể để tình trạng này tiếp diễn, tôi kêu con ngồi lại rồi nhẹ nhàng hỏi tại sao trốn học. Dù rất bực mình chuyện này nhưng tôi không muốn tình hình xấu hơn nên phải dùng chiến lược ôn hòa. Lúc đầu, cháu cứ ngồi làm thinh trước những câu hỏi của tôi. Về sau, cháu thấy tôi không nóng giận nên mới nói: “Con không muốn học nữa nhưng con sợ nói ra ba đánh”. “Ba sẽ không đánh vì con đã lớn rồi, con biết suy nghĩ những việc mình đã làm chứ? Nếu ba như những người cha khác thì tự nãy giờ con bị đánh rồi. Ba hiểu rằng con không đến lớp tất nhiên phải có lý do nào đó. Con hãy nói hết ra cho ba nghe đi. Liệu ba có thể giúp gì cho con được không?”. Tôi nói với con bằng một giọng hết sức tình cảm để cho con hiểu rằng tôi thông cảm chứ không phải dùng kỷ luật thép. Cháu ngồi lặng thinh một hồi lâu rồi mới nói: “Ở trong lớp con là đứa cao lớn nhất. Con bị đặt ngồi dưới chót, nghe bài không rõ. Tụi bạn chê con là chậm chạp học không bằng chúng nó. Con buồn và cảm thấy học không vô được nữa. Con đã ở lại 1 năm rồi, con thấy không thể lên lớp 12 được. Con buồn…”. “Rồi con bỏ học, con đi đâu?”, tôi hỏi. “Con đạp xe đi lang thang ở ngoài đường”, cháu trả lời. Tôi hỏi tiếp: “Trong lúc con đi lang thang như vậy, con làm gì, nghĩ gì?”, cháu trả lời: “Con không làm gì cả. Con nghĩ mình phải đi làm để kiếm tiền”. Nghe vậy, tôi mới phân tích: “Tuổi con còn nhỏ, chưa hiểu biết đời là gì. Con cũng chưa học được nghề nghiệp gì thì làm sao con kiếm được ra tiền chứ?”. Thằng bé ngó tôi rồi cúi đầu nói: “Con biết. Con thấy ba trước đây học hành như thế đó, vậy mà bây giờ vẫn là một nhân viên bình thường với đồng lương ít ỏi, phải nhờ vào việc buôn bán của mẹ. Vậy thì con tiếp tục học để làm gì chứ?”.

Lời nói của con như một mũi dao đâm vào tim tôi. Tôi bị chạm tự ái. Nhưng tôi không thể trách mắng con. Bởi cháu chưa hiểu đâu phải ai lấy bằng cử nhân, kỹ sư…cũng giàu có, cũng làm ông này bà nọ. Cũng tùy vào duyên may, cơ hội, nỗ lực, hoàn cảnh… Tôi thừ người ra, cố tìm một giải pháp cho vấn đề. Hồi lâu tôi mới nói với con: “Bây giờ con chưa kiếm được nghề nghiệp nào để có thể học được. Con nghỉ học, chẳng lẽ cứ đi chơi mãi sao. Chuyện rong chơi với bạn bè không tốt đâu, con ạ!”. Chẳng đợi tôi nói thêm, cháu đưa ra yêu cầu: “Nếu ba tài trợ học phí, con sẽ học nghề sửa chữa xe ô tô. Ba cũng biết đó, từ nhỏ con đã mê xe ô tô mà. Sau khi học nghề xong, con sẽ đi làm kiếm tiền”.

Sự thật thì tôi muốn con mình học hết THPT, nếu cháu còn say mê học hành thì học tiếp ĐH. Nhưng với tình thế này, tôi nghĩ phải tôn trọng ý kiến của con. Việc có một nghề trong tay cũng là điều tốt, giúp ích cho xã hội. Cuối cùng, tôi hỏi: “Con có hứa với cả nhà là sẽ học nghề đến nơi đến chốn?”. “Con xin hứa và sẽ không làm cả nhà thất vọng!”, cháu hứa chắc vậy.

Nguyn Hoàng Duy