Thứ ba, 5/1/2016, 20h43

Con riêng, con chung

Một gia đình có con riêng, con chung thường rất dễ phải đối mặt với những vấn đề phức tạp hơn một gia đình bình thường. Đã có biết bao câu chuyện buồn vui xung quanh mối quan hệ trong những gia đình này.

Ảnh minh họa: I.T

Bài toán khó

Sau một thời gian đắn đo, suy nghĩ, chị Thanh Nhàn quyết định kết hôn với anh Quốc Khánh - người đã có con riêng trước đó. Đó là quyết định khó khăn khi chị phải thuyết phục gia đình, vượt qua dư luận. Lấy nhau về, chị mới biết ứng xử ra sao với con riêng của chồng lại càng khó khăn hơn gấp bội. Bé Bi là con của anh Khánh với người vợ cũ. Bé vốn rất kén ăn nên riêng việc nấu ăn cho bé đã làm chị đau đầu. Không ít lần, chị cố kìm nén cơn tức giận khi bé nói: “Dì nấu ăn dở hơn mẹ con”, “Mẹ con hay làm thế này, thế kia”... Dẫu biết rằng mình không nên để bụng lời nói con trẻ nhưng sao chị Nhàn vẫn thấy lòng mình dậy sóng. Biết chị khó xử nên anh Khánh hết lòng khuyên nhủ, mong chị chịu đựng mà vượt qua giai đoạn khó khăn này để khi lớn lên một chút, bé sẽ hiểu và cảm thông với chị hơn.

Nhiều người đã kiên trì với ý nghĩ “mưa dầm thấm đất” trong việc nuôi dạy con riêng, con chung và họ đã thành công. “Đôi khi, chỉ cần thêm vào một chút “gia vị” của tình yêu thương chân thành và lối cư xử khôn khéo, chuyện sống chung dưới một mái nhà có con riêng, con chung sẽ không còn là bài toán khó. Chính sự hy sinh, gạt bỏ cái tôi ích kỷ để chăm sóc trẻ bằng tấm lòng của mình sẽ là chất keo kết dính tình cảm giữa các thành viên trong gia đình”, chuyên viên tư vấn tâm lý Mai Ngọc Nga nhấn mạnh.

Hiện nay, tình trạng ly hôn ngày càng nhiều nên chuyện kết hôn với người đã có gia đình, có con riêng không còn xa lạ. Anh Thành và chị Ánh đều đã một lần tan vỡ. Họ đến với nhau bằng sự cảm thông, chia sẻ, muốn bù đắp cho nhau quãng thời gian còn lại của cuộc đời, cho hai đứa con riêng của cả hai bên có một mái ấm đủ đầy. Trước khi về chung sống dưới một mái nhà, họ đã lường trước những khó khăn, áp lực của vấn đề “con anh, con tôi” nhưng khi đối mặt với thực tế, họ mới biết để giải bài toán ấy không hề dễ dàng. Có lần, con anh Thành nhập viện, chị Ánh tất tả gác lại mọi việc để vào viện chăm sóc. Đến nơi, đứa trẻ quay mặt vào vách tường, khăng khăng đòi ba phải vào chăm sóc mình. Khi ấy, anh Thành lại đang đi công tác xa. Chị vất vả lắm mới thuyết phục được con riêng của chồng ăn bát cháo. Ăn xong, đứa trẻ lại quay mặt vào vách tường, không trả lời bất cứ một câu hỏi nào của chị. Chị thấy tim mình như vụn vỡ, bất lực. Anh Thành cũng không hề dễ dàng trong việc nuôi dạy con riêng của chị Ánh. Những lần anh đưa đón con của chị Ánh đi học, đứa trẻ lầm lì, không nói với anh một lời. Chuyện đứa này kể tội đứa kia, tranh giành, tỵ nạnh nhau từng đồ chơi làm anh chị mệt mỏi, áp lực. Khi có con chung, họ lại càng thấm thía nỗi nhọc nhằn trong việc vun vén hạnh phúc cho một gia đình có “con anh, con tôi, con chúng mình”.

Tình yêu thương và sự công bằng

Với một số người, việc nuôi con người khác là việc không hề mong muốn. Họ miễn cưỡng làm vì trách nhiệm nên xem đứa trẻ như một “của nợ”. Chính tâm lý ấy càng đẩy họ xa đứa trẻ hơn. “Khi trẻ lớn lên trong một mái nhà có con riêng, con chung, trẻ sẽ rất dễ mang tâm lý mặc cảm, tự tin nếu người lớn cư xử thiếu sự tinh tế, quan tâm. Lâu dài, trẻ sẽ có tâm lý hằn học, lúc nào cũng như con nhím xù lông trong cách cư xử với mọi người”, chuyên viên tư vấn tâm lý Mai Ngọc Nga cho biết.

Ngày nhận lời về “góp gạo thổi cơm chung” với anh Cường, chị Mai đã lường trước những khó khăn khi sống chung một mái nhà với con riêng của anh và con riêng của chị. Khi ấy, anh chị lại còn quá trẻ. Biết là sẽ áp lực nên họ không quá kỳ vọng vào mọi điều và biết chấp nhận những thay đổi ở những thời điểm khác nhau của cuộc sống. Không ít lần vợ chồng anh chị rơi vào những cuộc cãi vã, tranh luận kịch liệt trong cách nuôi dạy con riêng của mình nhưng họ nhanh chóng cân bằng, bình tĩnh tìm cách giải quyết. Anh chị hiểu những thiệt thòi của con trẻ nên ra sức bù đắp, không phân biệt con ai. Chính tình cảm chân thành, không tính toán ấy đã giúp gia đình họ đi qua nhiều cơn giông bão. Hai đứa trẻ lớn lên hòa thuận, yêu thương nhau như anh chị em ruột. Ai hỏi bí quyết, anh chị đều trả lời: “Mọi thứ đến trong cuộc đời đều là duyên phận. Chúng tôi chưa bao giờ hối tiếc vì những gì mình đã chọn. Việc chăm sóc, dạy dỗ bọn trẻ không hề dễ dàng nhưng chỉ cần tình yêu thương và sự công bằng sẽ giúp chúng lớn lên trong hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau”.

Yên Hà