Thứ hai, 15/8/2016, 16h09

Công bố bảng xếp hạng 500 ĐH hàng đầu thế giới

Tổ chức Tư vấn xếp hạng Thượng Hải của Trung Quốc ngày 15.8 công bố Bảng xếp hạng 500 đại học (ĐH) hàng đầu thế giới năm 2016, cho thấy ĐH Harvard của Mỹ giữ ngôi vị đầu bảng 14 năm liên tiếp.

ĐH Harvard luôn đứng đầu trong Bảng xếp hạng 500 ĐH hàng đầu thế giới của Tổ chức Tư vấn xếp hạng Thượng Hải /// Ảnh: Reuters
ĐH Harvard luôn đứng đầu trong Bảng xếp hạng 500 ĐH hàng đầu thế giới của Tổ chức Tư vấn xếp hạng Thượng Hải
Đứng sau ĐH Havard trong tốp 10 của bảng xếp hạng năm nay lần lượt là ĐH Stanford (thứ 2), ĐH California-Berkeley (3), ĐH Cambridge (4), Viện Công nghệ Massachusetts (5), ĐH Princeton (6), ĐH Oxford (7), Viện Công nghệ California (8), ĐH Columbia (9) và ĐH Chicago (10).
Đứng đầu châu Á vẫn là ĐH Tokyo, chiếm vị trí 20, nhảy một bậc so với năm 2015. Bảng xếp hàng còn cho thấy ở châu Á có 3 trường lần đầu tiên lọt vào tốp 100, lần lượt gồm ĐH Thanh Hoa (chiếm vị trí 58), ĐH Bắc Kinh (71) và ĐH Quốc gia Singapore (83).
500 ĐH hàng đầu thế giới 2
Những ĐH, viện nằm trong tốp 10 của Bảng xếp hạng 500 ĐH hàng đầu thế giới của Tổ chức Tư vấn xếp hạng Thượng Hải Ảnh: Chụp từ website của Tổ chức Tư vấn xếp hạng Thượng Hải
Với vị trí trên, ĐH Quốc gia Singapore tiếp tục dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Singapore còn có thêm một trường lọt vào bảng xếp hạng là ĐH Công nghệ Nanyang (nằm trong tốp 101-150). Ngoài ra, Malaysia cũng có 3 trường lọt vào tốp 401-500, gồm ĐH Malaya, ĐH Quốc gia Malaysia và ĐH Khoa học. Trong khi đó không có trường nào ở Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng.
Bảng xếp hạng 500 ĐH thế giới được công bố lần đầu tiên vào năm 2003.
Bảng xếp hạng có 4 tiêu chí đánh giá: 1) Chất lượng đào tạo (chiếm 10% điểm), được đo bằng số cựu sinh viên đoạt giải Nobel và huy chương Field; 2) Chất lượng cán bộ đào tạo (40% điểm), được đo bằng số cán bộ đoạt giải Nobel và huy chương và số nhà nghiên cứu được trích dẫn cao trong 21 danh mục chủ đề phổ biến; 3) Nghiên cứu (20%), được đo bằng số công trình nghiên cứu được xuất bản trên chuyên san Nature and Science và được ghi vào Danh mục trích dẫn khoa học mở rộng và Danh mục trích dẫn khoa học xã hội; và 4) Hoạt động học thuật bình quân đầu người (chiếm 10%), được tính bằng cách tổng số điểm của 3 tiêu chí trên chia cho số lượng cán bộ đào tạo cơ hữu của một trường.

Văn Khoa (TNO)