Thứ hai, 8/2/2010, 10h02

Cõng chữ ngược lên đại ngàn

Thầy Uyên ngày ngày gieo chữ trên bản Aur

Mùa xuân đã về trên đỉnh Trường Sơn, nhưng dường như những thầy cô giáo đang ngày đêm cõng chữ nơi đại ngàn vẫn không hề bận tâm. Chuyến đi cuối năm trên đỉnh Trường Sơn khiến tôi nhớ mãi hình ảnh những thầy cô giáo đến với trẻ Cơtu (xã A Vương, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) tách biệt với thế giới bên ngoài. Họ đã nhiều năm kiên trì bám trụ để gieo chữ trên những thôn bản xa nhất nơi miền biên thùy của Tổ quốc...
Không thể bỏ các em
Đêm ở thôn A choong (xã Ch’ơm, huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) lạnh buốt, từng cơn gió rin rít qua những ô cửa nhỏ nhà Gươl làm chân tay tê cứng. Khuya hiu hắt, gương mặt 2 thầy giáo Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Hữu Mỹ (Trường Tiểu học Ch’ơm chập chờn bên bếp lửa. Câu chuyện rỉ rả của chúng tôi lọt thỏm giữa tĩnh mịch đại ngàn.
Trường Tiểu học Ch’ơm đặt ở thôn Achoong, dù trụ sở UBND xã lại đặt ở thôn Z’rượt. Thật ra, với những con đường cheo leo khủng khiếp như vùng cao biên ải này, chẳng ở đâu là trung tâm. Thầy Nguyễn Minh Châu giải thích: “Trẻ em Cơtu ở miền biên giới này hiếu học một cách kỳ lạ, các anh đi mấy ngày như thế đã rã rời chân tay, nhưng những em học cấp một, cứ sáng đi tối về mấy chục cây số, mưa nắng gì cũng đến lớp đều đặn. Đúng là không thể tưởng tượng nổi”. Cũng vì cái sự hiếu học của trẻ em Cơtu nên những thầy cô trẻ không nỡ bỏ về xuôi. Rít một hơi dài, điếu thuốc đỏ rực trong bóng đêm, thầy giáo trẻ Nguyễn Hữu Mỹ buồn buồn: “Lâu lắm rồi em không về nhà, cũng nhớ lắm, nhưng đành ở lại vì mấy đứa trẻ tội lắm. Chúng đi bộ cả mấy chục km, vượt đèo lội thác đến lớp, không lẽ mình lại bỏ?”.
Thầy giáo Nguyễn Minh Châu đã ngoài 30 tuổi, quê Tiên Phước (Quảng Nam) tình nguyện lên dạy ở vùng biên giới hơn 9 năm nay. May mắn cho thầy giáo Châu là vợ cũng dạy ở xã Lăng nên thỉnh thoảng vượt dốc lội bộ về thăm. “Vợ em mới sinh đứa thứ 2, con trai anh ạ. Đáng lẽ những đêm lạnh thế này phải có em ở nhà chăm sóc mẹ con cô ấy”. Dẫu sao thì thầy Châu vẫn còn may mắn hơn thầy Mỹ rất nhiều. Cùng tuổi, cùng tình nguyện lên vùng cao dạy học, nhưng khi bạn bè lần lượt có gia đình, thầy Mỹ vẫn chưa một lần được nếm vị ngọt tình yêu. Lại rít một hơi thuốc, đóm lửa lập lòe: “Năm 21 tuổi, em có người yêu ở xã Quế Trung, khi biết em tình nguyện lên đây dạy học, cô ấy khóc lóc, riết rồi chia tay, nghe nói giờ đây đã lấy chồng”. Gần 9 năm gắn bó với vùng biên, chịu cảnh phòng không, gần đây thầy Mỹ cũng đã tìm được hạnh phúc cho riêng mình. “Cũng chưa có gì đâu anh ạ, chỉ là mới quen thôi. Cô ấy cũng dạy học ở xã Lăng, quen nhau trong lần đi học nghị quyết. Chỉ mới giai đoạn đầu thôi, nhưng em cũng như cô ấy đều hy vọng một kết cục tốt đẹp”.   
Buổi sáng thứ 7 ở Z’rượt, tôi gặp lại 2 thầy Châu và Mỹ. Thì ra, cứ dịp cuối tuần, cả 2 cùng sang trụ sở xã Ch’ơm để điện thoại. Con đường gập ghềnh từ A choong đến Ch’ơm phải mất 3 tiếng đồng hồ đi bộ. Chiếc điện thoại VSAT (loại điện thoại vệ tinh) là phương tiện duy nhất để người ở vùng biên liên lạc về xuôi. Nét mặt tươi rói vì mới được nói chuyện thỏa thích với người yêu, thầy Mỹ hớn hở: “Một năm gặp nhau có 2 lần, tụi em cũng buồn lắm, vì nhiệm vụ mà phải cố gắng thôi”.
Quên cả tuổi xuân

A Choong - bản làng cheo leo trên huyện biên giới Tây Giang - Quảng Nam

Đổ uỵch cả người xuống đất sau khi lết hết bậc thang cuối cùng đặt chân lên bản Aur, tiếng trẻ ê a học bài khiến tôi tiếp tục đứng lên. Không thể để lỡ một giây phút nào tại Aur, nơi tôi đã dám đánh cược cả mạng sống để mò vào. Hai lớp học sạch sẽ, bầy trẻ quần áo tinh tươm, mặt mũi sáng loáng đang chăm chỉ lắng nghe thầy giáo giảng bài. Thầy giáo của chúng là một anh chàng cao ráo đẹp trai, người Kinh hẳn hoi, tình nguyện lên dạy chữ cho trẻ bản Aur mấy năm rồi. Đó là thầy giáo Lê Nam Uyên – người xã Bình An (huyện Thăng Bình – Quảng Nam).
Thầy Lê Nam Uyên năm nay đã 30 tuổi, từng gắn mình với học trò Cơtu đến 7 năm ở xã biên giới Ch’ơm (Tây Giang). Năm 2003, khi nghe tin huyện Tây Giang công nhận một tộc người Cơtu trên đỉnh núi cao nhất của Trường Sơn vùng Quảng Nam có tên là Aur, thầy Uyên lại tình nguyện lên dạy chữ ở Aur. Tuy nhiên, Ch’ơm lúc đó rất cần thầy giáo. Vì thế, phải mất 3 năm sau, tâm nguyện của thầy Uyên mới được hoàn thành. “Bây giờ còn có đường đi bộ vào, chứ cách đây 3 năm, hồi tôi mới lên đây, phải cắt rừng lội suối, đi từ xã A Vương vào đây mất 2 ngày. Cực khổ trăm bề. Được cái sống ở đây thoáng đãng, sạch sẽ và trẻ em thì ham học và sáng dạ lắm”. Thầy Uyên vẫn không quên kỷ niệm 3 năm trước, khi một mình một ba lô, chống gậy cắt rừng vào với Aur. “Ch’ơm là xã vùng biên giới, nhưng dẫu sao vào bản vẫn có đường mòn, chứ như Aur thời đó, bản nằm tít trên cao, sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Người ở đây từ nhỏ đến lớn tiếng Kinh nửa chữ không biết. Khó khăn lắm”. Rồi thầy Uyên xòe tay, nhẩm tính: Lúc đầu tôi dạy cả năm lớp (1 – 5) trong một phòng, năm ngoái có thêm thầy Đông cùng lên giúp sức. Lớp 1 có 2 em, lớp 2 bảy em, lớp 3 hai em, lớp 4 ba em, lớp 5 có bốn em. Cứ thế chia nhau dạy từ sáng đến tối. Thầy trò quây quần bên nhau học. Nắng cũng như mưa không lúc nào ngưng nghỉ. Dân bản làm nhà cho thầy ở, cơm dân bản nấu cho thầy ăn. Mình gắn bó với Aur quá rồi, giờ không muốn về xuôi nữa”. Tan học buổi sáng, cũng là lúc các em học sinh lớp 5 đi rẫy về, để kịp vào cachiều. Alăng Hồng – cô bé nhỏ thó với gùi sắn nặng leo dốc, vẫn cười rất tươi: “Nhờ có thầy Uyên mà chúng em biết đọc biết viết, lại nói được cả tiếng Kinh. Chúng em không cho thầy Uyên về xuôi đâu”.
Tôi cùng người dẫn đường Bhling Đhơn mất cả buổi mới bò vào được Aur, nhưng thầy Uyên nói khiến tôi sởn gai ốc: “Một tuần mình phải ra A Vương một lần, để họp và báo cáo tình hình học tập cho hiệu trưởng, nhân tiện mua muối và đồ ăn tươi. Tuần nào cũng thế, mang ba lô là lên đường”. Thầy Uyên dạy ở những nơi thâm sơn cùng cốc miền biên giới này được gần chục năm, nay lương chưa đầy 2 triệu. Thầy vẫn vui vẻ chấp nhận. “Biết kêu ai, lên vùng cao dạy là chấp nhận thiệt thòi, lấy con chữ và tiếng cười học sinh làm niềm vui thôi” – thầy Uyên lạc quan. “Bao giờ cưới vợ?” – câu hỏi vừa buông ra tôi biết mình lỡ lời khi ánh mắt buồn rười rượi của thầy Uyên đôi lần nhắc đến chuyện vợ con. “Găm mình trên núi 10 năm nay rồi, có bao giờ biết đến tình yêu là gì?”. Rồi thầy nhớ lại mối tình hồi sinh viên, khi ra trường, biết tin thầy quyết chí gắn với học trò vùng cao biên giới, người bạn gái đành mang tiếng bội tình. Lại gần hết năm, thầy Uyên sắp bước qua ngưỡng 30...  
Thầy Uyên dù muốn lắm nhưng cũng không thể giữ chúng tôi ở lại Aur thêm một ngày nữa, khi trời đổ mưa. Anh ra tới cổng làng vẫy tay từ biệt, mắt buồn rười rượi. Tôi và Đhơn lại lầm lũi rời khỏi Aur, nơi thâm sơn cùng cốc đầy thi vị, nơi có thầy giáo Lê Nam Uyên – người đang quên tuổi xuân, gieo chữ trên đại ngàn.
Ghi chép của Đinh Hương
Mùa xuân đã về trên đỉnh Trường Sơn, hoa rừng nở trắng xóa cả một vùng là điểm nhấn duy nhất báo hiệu cho thầy cô và học sinh vùng cao rằng năm mới đã đến. Một mùa xuân mới, một dấu cộng thời gian gắn kết cuộc đời thầy cô vì tương lai thế hệ trẻ nơi đây.