Thứ sáu, 16/11/2012, 09h11

Cộng đồng trách nhiệm với doanh nghiệp và người lao động

Chủ tịch CĐ các KCN-KKT tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Biên phân tích: “Kinh tế suy thoái, sản xuất kinh doanh khó khăn, DN rất cần sự hỗ trợ của tổ chức công đoàn trong việc tuyên truyền, vận động công nhân cảm thông, chia sẻ...; mặt khác, người lao động cũng mong tìm được chỗ dựa ở công đoàn để có thể thương lượng và yêu cầu giới chủ thực hiện những điều khoản đã cam kết trong thỏa ước lao động tập thể”.

Đàm phán xây dựng thỏa ước

Để có thể phát huy tốt vai trò trung gian thương lượng hòa giải và đàm phán giải quyết tranh chấp về quyền giữa NLĐ và chủ sử dụng LĐ, trong nhiệm kỳ 5 năm qua, các thành viên trong BCH CĐ các KCN-KKT tỉnh thường xuyên bám sát cơ sở, lắng nghe, ghi nhận những ý kiến, kiến nghị từ 2 phía; hướng dẫn đại diện tập thể NLĐ kiên trì vận động giới chủ ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với những điều khoản đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ.

Lãnh đạo CĐ các KCN-KKT Khánh Hòa trực tiếp giải quyết đình công tại KCN Bình Tân. Anh: B.C

Theo phân tích của CĐ các KCN- KKT tỉnh, tính đến đầu tháng 11.2012 đã vận động kết nạp được gần 6.800 đoàn viên, chiếm 63% tổng số lao động trong 30 DN có tổ chức CĐ và 28/30 DN đã ký kết TƯLĐTT, 2 DN đang soạn thảo để có thể ký kết vào đầu năm 2013. Điều cần ghi nhận là hơn 30% bản thỏa ước mà chủ DN đã ký có nhiều điều khoản quy định về thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ cao hơn so với mức “sàn” của Luật LĐ; điển hình như TƯLĐTT của các Cty bia San Miguel, Long Shin, Long Hiệp, Fujiura, Phillips Seafood... Bên cạnh đó, CĐ các KCN-KKT Khánh Hòa cũng thường xuyên rà soát lại nội dung những bản TƯLĐTT sắp đến hạn phải ký lại, kịp thời phát hiện và yêu cầu chủ DN điều chỉnh những điều khoản không còn phù hợp với quy định pháp luật; nhờ vậy đã hạn chế được tình trạng lãn công, đình công, khiếu kiện tập thể do tranh chấp về quyền lợi.

Được sự hỗ trợ của LĐLĐ tỉnh, trong nhiệm kỳ vừa qua, CĐ các KCN-KKT Khánh Hòa đã tổ chức 15 lớp tập huấn cho 580 cán bộ từ tổ CĐ trở lên, nhằm trang bị kỹ năng vận động, thương lượng, quản lý tài chính CĐ và hướng dẫn vận dụng các quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật CĐ, Luật LĐ. Ngoài ra, Ban Thường vụ CĐ các KCN-KKT còn tranh thủ sự ủng hộ của một số chủ DN để có thêm thời gian, kinh phí mở lớp tập huấn tại cơ sở và duy trì hội nghị NLĐ thường niên. Đến nay, 70% số CĐCS tại các KCN-KKT tỉnh đã thành lập được hội đồng hòa giải.

Cộng đồng trách nhiệm

TGĐ Cty TNHH bia San Miguel Việt Nam Elisito A.Locay Locay cho biết: “15 năm qua, tình hình sản xuất kinh doanh của Cty không phải lúc nào cũng thuận lợi và hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn; nhưng chúng tôi vẫn thực hiện đầy đủ những gì đã cam kết trong bản TƯLĐTT. Ban lãnh đạo Cty luôn hiểu rằng, hoạt động của CĐ đã và sẽ có ảnh hưởng rất lớn và rất tốt đối với nhận thức của NLĐ, đồng thời góp phần quan trọng vào sự thành công của DN”.

Lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, tùy theo điều kiện thực tế của từng đơn vị, tùy theo mùa vụ sản xuất của từng nhóm ngành nghề, BCH CĐ các KCN-KKT tỉnh hình thành chương trình, kế hoạch công tác và phân công cán bộ phụ trách từng cụm, nhóm...; theo đó hướng dẫn CĐCS xây dựng quy chế thi đua, đồng thời kêu gọi vận động đoàn viên đăng ký thi đua và tổ chức ký kết thi đua... nhằm đạt được mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đảm bảo hài hòa lợi ích của DN, NLĐ và CĐ.

Ông Nguyễn Hòa - UV BCH Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch LĐLĐ Khánh Hòa - khẳng định: “Năm 2013, tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, nhiều DN sẽ phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động. Hơn lúc nào hết, CĐ cấp trên cơ sở cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc định hướng và hướng dẫn CĐCS gắn nhiệm vụ chăm lo bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của NLĐ với chia sẻ khó khăn cùng chủ DN. Trước mắt cũng như lâu dài, hoạt động công đoàn và phong trào công nhân luôn luôn gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn tại cơ sở và cần phát huy hình thức đối thoại 3 bên, trực tiếp giải quyết vướng mắc thông qua “con đường” hòa giải, thương lượng”.

BẢO CHÂN

Báo Lao Động