Thứ năm, 27/5/2010, 23h05

Công nhân tăng tốc “vượt vũ môn”: Bí quyết đậu tốt nghiệp THPT của học sinh trung bình, yếu

Học viên Trung tâm GDTX Tôn Đức Thắng ôn thi tốt nghiệp tại Trường THPT Nguyễn Du (ảnh chụp hồi 19h20 ngày 25-5)

TP.HCM vừa tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT nhưng số lượng học sinh (HS) đạt yêu cầu chỉ chiếm 60% đến 70%, trong đó có trường chỉ có 30% đến 40%. Vì vậy, nhiều trường phổ thông vẫn tiếp tục ôn tập cho HS, đặc biệt ở các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) thì không khí này lại càng trở nên gấp rút.
Học viên yếu chiếm ưu thế
Trung tâm GDTX Tôn Đức Thắng thuộc Liên đoàn Lao động thành phố có 210 học viên (HV) đủ điều kiện để dự thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, số lượng HV yếu đã chiếm tới 148 (hơn 70%), HV trung bình là 60, chỉ có 2 HV đạt loại khá.
Thầy Hà Hữu Sang, Phó giám đốc Trung tâm GDTX Tôn Đức Thắng cho biết: “Đặc thù của trung tâm là trực thuộc Liên đoàn Lao động thành phố, số lượng công nhân đi học rất đông. Trong tổng số HV đủ điều kiện tham gia thi tốt nghiệp năm học này thì đã có tới 110 người là công nhân, trong đó có tới 47 người trên độ tuổi 25 nên trình độ tiếp thu kiến thức chậm hơn những HV khác. Công nhân cả ngày đi làm, tối về nhiều lúc tăng ca nên thời lượng đến lớp không đồng đều. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả học tập của công nhân. Vì thế, mặc dù đã kề cận đến ngày thi nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tổ chức ôn luyện cho các em”.
Còn ở Trung tâm GDTX Gia Định, trong tổng số 42 HV đủ điều kiện dự thi thì chỉ có duy nhất một HV đạt loại khá, chủ yếu là trung bình. Hay ở Trung tâm GDTX quận 1, có 298 HV đủ điều kiện thi tốt nghiệp thì chỉ có 6 HV loại giỏi (2%), 29 HV loại khá (9%), 118 HV loại trung bình (38%) và có tới 145 HV loại yếu (chiếm 46%). Theo cô Thúy Hồng, Trưởng phòng Văn hóa, Trung tâm GDTX Gia Định: “Ngoài những người nghỉ học lâu năm đến học lại thì HV ở các trung tâm GDTX chủ yếu là những HS yếu kém từ các trường khác dạt về, vì vậy mặc dù GV đã rất cố gắng nhưng so với mặt bằng chung của HS toàn thành phố thì số trình độ tiếp thu bài của các em vẫn còn nhiều hạn chế”. Cán bộ của một trung tâm GDTX còn cho biết thêm: “Rất nhiều trường dân lập khi thấy kết quả học tập của các em không đủ sức để thi tốt nghiệp đã đẩy xuống các trung tâm GDTX, đây là một trong số những nguyên nhân làm cho số lượng HS yếu kém ở đây nhiều hơn”.
Công nhân cũng tăng tốc
Mặc dù ngày thi tốt nghiệp đã gần kề, đối với những HS khá giỏi các em có thể nghỉ ngơi để lấy tinh thần thoải mái trước khi bước vào phòng thi nhưng đối với những HS trung bình và yếu thì các em vẫn miệt mài bổ sung thêm lỗ hổng kiến thức còn thiếu.
Trong những ngày này, Phan Thị Hoa (học ở Trung tâm GDTX Gia Định) vẫn miệt mài học từ sáng đến tối mịt mới về đến nhà. Buổi sáng học phụ đạo còn buổi chiều Hoa ở lại trường để học nhóm cùng các bạn. Hoa kể: “Ở nhà học một mình rất buồn ngủ nên chúng em thường lên trường để học nhóm. Học nhóm vừa vui lại rất hiệu quả vì chúng em có thể chia sẻ, bổ sung kiến thức, kinh nghiệm cho nhau”. Cùng học nhóm với Hoa, Thịnh tâm sự: “Năm ngoái em bị rớt tốt nghiệp, ở nhà chán lắm nên năm nay em quyết tâm sẽ thi đỗ tốt nghiệp. Các môn tự nhiên em học không nổi rồi thì bù lại em sẽ cố gắng ôn tập các môn xã hội để bù điểm vào”.
Cổng Trường THPT Nguyễn Du trong những ngày này vẫn nhộn nhịp bước chân của công nhân sau những giờ tan ca vội vàng đến lớp ôn tập. Đây là những lớp học của Trung tâm GDTX Tôn Đức Thắng mượn địa điểm để tổ chức giảng cho HV. Anh Phát (một công nhân) tuy đã 27 tuổi nhưng anh vẫn cố gắng học để lấy tấm bằng THPT. Anh tâm sự: “Nghỉ học từ lâu nên bây giờ đi học lại tiếp nhận kiến thức rất khó nhưng không vì thế mà tôi bỏ cuộc. Mặc dù đã ôn tập rất kỹ nhưng cũng giống như tâm trạng của rất nhiều người khác trước khi bước vào cuộc thi, lo lắng, hồi hộp là điều không thể tránh khỏi”.
Còn chị Hương, anh Công, anh Bình cùng là những công nhân đang học ở trung tâm này thì chia sẻ: Trong những ngày cận kề thi tốt nghiệp tụi mình đã xin công ty cho nghỉ phép 10 ngày để tập trung vào việc ôn tập. Đây là thời điểm nước rút nên hầu hết mọi người trong lớp đều phải tập trung hết mình, thức khuya đến tận 2-3 giờ sáng để ôn tập.
Kinh nghiệm “vượt vũ môn” của học sinh trung bình
Người luôn kề vai sát cánh đồng hành cùng các sĩ tử trong kỳ thi này là giáo viên (GV). Cô Thúy Hồng vừa là cán bộ quản lý vừa là GV dạy môn văn của Trung tâm GDTX Gia Định cho biết: “Trong những ngày này GV vẫn tiếp tục ôn tập cho HV vào các buổi sáng trong tuần, còn buổi chiều nếu thấy HV nào còn quá yếu về môn học của mình thì GV lại tiếp tục ở lại dò bài”. Cô còn chia sẻ thêm kinh nghiệm cho các HV khi làm bài thi: “Khi nhận đề thi cần đọc qua một lượt toàn bộ nội dung các câu hỏi để xác định mục đích, yêu cầu của các câu hỏi. Chọn câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Đối với những môn như văn, sử cần phác thảo ý ngoài giấy nháp trước khi làm bài, làm đầy đủ các câu hỏi trong đề thi”.
Dạy học ở Trung tâm GDTX Tôn Đức Thắng từ những ngày đầu trung tâm mới thành lập, tỷ lệ HV đạt điểm thi tốt nghiệp trên trung bình luôn ở mức 60% đến 70%. Cô Võ Thị Lợi, GV dạy môn hóa cho biết: “Học trò của cô phần lớn vừa đi làm vừa đi học nên không có thời gian học bài. Trong 3 năm trở lại đây thi tốt nghiệp môn hóa đều phải thi trắc nghiệm nên lượng kiến thức sẽ trải dài hơn, nếu các HV không nắm bắt đầy đủ nội dung chương trình học thì khó có được kết quả tốt. Vì vậy, mặc dù gần đến ngày thi nhưng cả cô và trò cùng cố gắng để ôn tập bài kỹ hơn”. Còn khi làm bài thi, cô khuyên “Các HV nên đọc thật kỹ đề thi nhưng không nên dừng lại quá lâu ở một câu hỏi nào đó, nếu thấy câu hỏi khó quá thì có thể dành thời gian chuyển sang câu khác làm”. 
Đối với những HV yếu, hầu hết các giáo viên dạy ở trung tâm GDTX đều khuyên rằng: “Các HV không nên lo lắng nhiều mà hãy học và thi hết khả năng của mình, nếu hôm nay làm bài thi không được cũng đừng nản chí mà cố gắng cho các môn thi khác. Trong trường hợp xấu nhất xảy ra, nếu các HV không đủ điểm để đỗ tốt nghiệp thì có thể bảo lưu lại kết quả và năm sau thi lại những môn bị điểm liệt”.
Thầy Nguyễn Ngọc Ánh, Phó giám đốc Trung tâm GDTX quận 1 cho biết: “Trong tuần này chúng tôi không tổ chức ôn tập cho các HV nữa mà để các em tự học ở nhà và có thời gian thư giãn trước khi bước vào phòng thi. Còn những HV muốn trao đổi, thảo luận theo nhóm thì chúng tôi cũng tạo điều kiện cho các em đến trường tự ôn tập, những kiến thức nào không hiểu thì thầy cô vẫn luôn ở bên cạnh để giúp đỡ các em”. Cùng quan điểm này, cô Thúy Hồng chia sẻ: “Trong tuần này chúng tôi không bắt buộc các em đều phải đến lớp ôn tập, nếu các em muốn được tự ôn ở nhà để lấy tinh thần thoải mái trước khi thi thì chúng tôi cũng rất ủng hộ”.
Bài, ảnh: Dương Bình