Chủ nhật, 26/3/2017, 01h46

Công tác xã hội cần được nhìn nhận là một nghề

Học viên Trung tâm Bảo trợ, dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM vẽ tranh tại lễ kỷ niệm Ngày CTXH Việt Nam năm 2017

Sáng 25-3, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày công tác xã hội (CTXH) Việt Nam lần đầu tiên năm 2017. Theo đó, Ngày CTXH Việt Nam (25-3) nói lên sự công nhận của Nhà nước, cộng đồng xã hội cũng như sự tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề CTXH, góp phần bảo đảm quyền con người. Theo thống kê, số người cần trợ giúp của các dịch vụ CTXH ở Việt Nam là trên 9 triệu người cao tuổi; 6,7 triệu người khuyết tật; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; khoảng 9,6% số hộ gia đình nghèo; 21,1% phụ nữ bị bạo hành ở các cấp độ… Các đối tượng này thường chỉ nhận sự trợ giúp về cung cấp dịch vụ của cán bộ, nhân viên CTXH bán chuyên nghiệp (khoảng 14.000 người). Họ phần lớn làm theo kinh nghiệm và cảm xúc, thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết, do vậy hiệu quả giải quyết các vấn đề không cao và thiếu sự phát triển bền vững.

Ngày 25-3-2010, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 với mục tiêu phát triển CTXH thành một nghề ở Việt Nam. Đến nay, Việt Nam có 55 trường ĐH-CĐ và 21 cơ sở dạy nghề có ngành đào tạo CTXH và đã đào tạo cho hơn 13.000 người trên cả nước. “Để đáp ứng yều cầu phát triển, CTXH cần đổi mới các hoạt động, thúc đẩy theo hướng xã hội hóa tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia. CTXH không chỉ cần được khẳng định là một nghề mà còn phải được mở rộng và nâng cao lượng cũng như chất”, bà Nguyễn Thị Liên (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết.

T.Tri