Thứ bảy, 24/6/2017, 22h41

Cổng trường ĐH đang rộng mở

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã qua, từ kết quả kỳ thi này xét tuyển vào các trường ĐH. Cách tổ chức kỳ thi năm nay có nhiều chuyển biến tích cực hơn những năm qua. Cho nên, việc xét tuyển ĐH năm nay càng làm cho các em hồi hộp và hy vọng.

Thí sinh vui vẻ sau buổi thi môn văn tại Hội đồng thi Trường THPT Diên Hồng (TP.HCM). Ảnh: Yên Hà

Biết bao nhiêu háo hức, đợi chờ, nhưng cũng bấy nhiêu thấp thỏm, lo âu của thí sinh và người thân trong gia đình. Hoàn thành 12 năm học phổ thông với bao vất vả, khó khăn, tốn kém, rồi khát khao vào ĐH để xứng đáng là những người con hiếu thảo của gia đình, trở thành những công dân hữu ích của đất nước - đó là khát vọng chính đáng của các em và niềm ao ước của các bậc phụ huynh. Là một giảng viên ĐH, tôi muốn nói ngay rằng: Các em hãy tin tưởng vào khát vọng của mình, bởi tất cả các cổng trường ĐH đang rộng mở để đón nhận các em!

12 năm học phổ thông, các thầy cô đã tận tình dạy cho các em kiến thức văn hóa và đạo làm người. Thầy cô nào cũng mong muốn các em chăm học và học giỏi, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp cao, và có nhiều em được vào các trường ĐH, thậm chí đỗ thủ khoa! Đấy là niềm vinh dự của các thầy cô. Phụ huynh cũng thế, muốn con em chăm ngoan, học giỏi, thi đỗ ĐH, mang lại niềm vinh dự cho gia đình! Nếu các em đã tiếp thụ được tình cảm và sự chăm sóc, dạy bảo ân cần, chu đáo của cha mẹ và của các thầy cô, thì tôi rất tin các em không khó khăn gì để trở thành sinh viên ĐH! Bởi đề thi THPT quốc gia luôn luôn nằm trong chương trình sách giáo khoa, dù có tích hợp cũng không “đánh đố” thí sinh. Hồi tôi thi ĐH khối C cách đây khá lâu, đề thi môn văn không nằm trong chương trình sách giáo khoa, mà đưa một bài thơ nổi tiếng của một nhà thơ có tên tuổi ở nước ta, mới đăng báo Trung ương, để thí sinh phân tích và bình luận. Thế mà đa số thí sinh chúng tôi chẳng hề “run sợ” chút nào, nhiều người vẫn đỗ điểm cao. Hai ba năm nay, Bộ GD-ĐT có nhiều cải cách thi cử, thí sinh không còn phải đi xa như những năm trước, bớt tốn kém tiền bạc cho gia đình các em, hạn chế ách tắc và tai nạn giao thông. Hầu hết các trường ĐH đều tăng chỉ tiêu đào tạo, mở thêm một số mã ngành, và nhất là được tự chủ trong việc lấy điểm chuẩn, tuyển đầu vào. Lại có hàng vạn thanh niên tình nguyện đón tiếp, hướng dẫn thí sinh đi lại, tìm nơi ăn ở thuận tiện cho các em, tránh những kẻ lừa gạt… Như vậy, tất cả những điều kiện thuận lợi để các em đỗ ĐH, đều được Nhà nước, xã hội và gia đình quan tâm chu đáo. Cánh cửa tất cả các trường ĐH đang rộng mở để hân hoan tiếp nhận các em. Còn gì sung sướng hơn?

Thi THPT quốc gia xong, các em cứ yên tâm để chờ giấy báo vào trường ĐH. Còn có nguyện vọng khác, vào trường này hoặc trường kia cùng khối, các em sẽ được đáp ứng, nếu đủ điều kiện. Tuy nhiên, vẫn sẽ có nhiều em không đỗ ĐH. Chuyện thi cử bao giờ chẳng vậy. Nguyên nhân chính, là do các thí sinh ấy không tu chí học hành! Song, các em này chớ nên chán nản, chớ nảy sinh những ý nghĩ và hành vi tiêu cực. Làm thế, chỉ thiệt cho bản thân, gây nỗi đau cho gia đình và xã hội. Các bậc thông thái xưa nay dạy rằng: “Thất bại là mẹ thành công”, “Thua keo này, bày keo khác”! Vả lại, các em phải xác định rằng: Không phải cứ vào ĐH mới thành đạt trong cuộc sống. Có nhiều con đường học hành để đến đỉnh cao tri thức khoa học. Xã hội có rất nhiều nghề và đang rất cần những người thợ giỏi, được đào tạo bài bản; ai có tay nghề cao, ý thức làm việc tốt, cũng đều có thể trở nên hữu ích cho đất nước và gia đình, thậm chí trở thành tỷ phú. Đấy là sự thật nhỡn tiền.

Vì vậy, tôi tin rằng đại đa số các em sẽ thi đỗ kỳ thi “2 trong 1” hệ trọng này. Và tất cả những ai có chí, có nghị lực, đều nhất định thực hiện được khát vọng vào trường ĐH.

Đào Ngọc Đệ
(Giảng viên chính Trường ĐH Hải Phòng)