Thứ bảy, 20/5/2017, 10h42

Công ty “bốc hơi”, dân nghèo điêu đứng

Những người dân nghèo xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang lo lắng bởi sự “mất tích” của Cty CP Dịch vụ Quốc tế Việt - Sing (Cty Việt - Sing)  sau những lời hứa đưa người lao động đi nước ngoài.

Công ty “bốc hơi”, dân nghèo điêu đứng

Những lao động nghèo bị Cty Việt - Sing chiếm dụng tiền. Ảnh: Cảnh Huệ.

Anh Đinh Văn Anh, trú tại thôn Song Long (xã Cương Gián) cho biết: Tháng 10/2015, qua giới thiệu của ông Đ.V.S (người địa phương, hiện sống tại Hà Nội), anh cùng 5 người khác làm thủ tục qua Cty Việt - Sing để đi Tây Ban Nha làm việc. Ngoài anh Anh còn 4 người khác gồm: Đinh Văn Dũng, Nguyễn Trọng Ngọc, Hoàng Trung Thông, Đinh Văn Thịnh  cùng trú tại huyện Nghi Xuân. Sau đó, cả 5 người này ra Hà Nội gặp bà Lê Thị Bình Phương (Phó Giám đốc Cty Việt - Sing) tại trụ sở công ty.

Theo đó, mỗi người lao động phải đóng phí 12.000 USD để Cty Việt - Sing đưa đi Tây Ban Nha làm việc, với mức lương 1.300 Euro/người (chưa kể tiền tăng ca). Bà Phương hứa, sau 3 tháng nhận tiền, lao động sẽ có visa xuất cảnh. 5 người đã nhiều lần nộp tiền cho Cty Việt - Sing, có phiếu thu với chữ ký của bà Phương và người lập phiếu. Tổng số tiền những lao động này đã nộp cho Cty Việt - Sing là 15.000 USD và 44 triệu đồng.

Bà Phương hứa đầu năm 2016, những lao động này sẽ sang Tây Ban Nha làm việc. Nhưng 3 tháng, rồi 1 năm trôi qua, nhiều lần các lao động gọi điện hỏi bà Phương vẫn chỉ nhận về lời hứa tiếp tục chờ đợi. “Vợ chồng tôi đã nộp cho công ty 1.000 USD, đều phải vay mượn trả lãi suất cao chứ nhà đâu có tiền. Giờ mất biết lấy gì trả”, chị Đặng Thị Đại, vợ anh Đinh Văn Thịnh nói.

Công ty mất tích

Sau nhiều lần liên lạc với bà Lê Thị Bình Phương và chỉ nhận về hứa hẹn, chờ đợi, một số lao động ra Hà Nội tìm tới Cty Việt - Sing để làm cho rõ. Ngờ đâu, công ty này đã chuyển đi, văn phòng tại số N4A15 Trần Bình đã có công ty khác thuê.

“Gọi bà Phương chúng tôi được hẹn gặp ở quán cà phê, bà Phương hẹn chiều cùng ngày sẽ trả lại số tiền đã thu. Nhưng chiều đó bà Phương đến tay không và viết giấy hẹn trả nợ cho chúng tôi trong tháng 3/2016. Nhưng từ đó tới nay tiền chúng tôi chưa được trả, số điện thoại bà Phương giờ do người khác dùng”, anh Hoàng Trung Thông nói.

Theo anh Đinh Văn Dũng, sau khi không thể liên hệ với bà Phương, nhóm anh đã đến Công an quận Nam Từ Liêm để trình báo sự việc. Ngày 1/6/2016, Công an quận Nam Từ Liêm thông báo bằng bản phô tô tới những lao động này, với kết luận: “Tài liệu thu thập được chưa đủ căn cứ xác định Lê Thị Bình (tức bà Lê Thị Bình Phương - PV) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan cảnh sát điều tra đã tạm dừng xác minh đơn tố cáo. Khi có tài liệu mới thì tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật”.

Trả lời Tiền Phong, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin Tuyên truyền (Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Cty Việt - Sing chưa được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, hiện Việt Nam và Tây Ban Nha chưa ký hiệp định hợp tác nào về đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại quốc gia này. Vì vậy, theo bà Hà, việc Cty Việt - Sing thông báo tuyển lao động đi Tây Ban Nha và thu tiền là sai quy định, thẩm quyền xử lý thuộc cơ quan công an.

Theo bà Hà, năm 2016, Cục Quản lý Lao động Ngoài nước cũng nhận được một số phản ánh của báo chí về việc Cty Việt - Sing thu tiền người lao động và hứa đưa họ đi làm việc tại Singapore. Sau đó, cục đã cung cấp thông tin và cảnh báo người lao động về hành vi lừa đảo của Cty Việt - Sing.

Đồng thời, cơ quan quản lý cũng phát đi nhiều cảnh báo với người lao động về những trường hợp lừa đảo như Cty Việt - Sing. Tình trạng này một phần do người lao động còn thiếu thông tin, mong muốn được đi nước ngoài làm việc; chính quyền địa phương quản lý chưa chặt chẽ, chậm phát hiện các hành vi lừa đảo để ngăn chặn…

Cảnh Huệ - L.H.Việt  (TPO)