Thứ bảy, 4/11/2017, 21h20

Cử nhân giỏi nhưng không… biết chào, cũng thua!

Câu chuyện cử nhân thất nghiệp, khó tìm kiếm việc làm trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp lại rất cao tiếp tục “nóng” tại chương trình tọa đàm giữa sinh viên, ứng viên với doanh nhân trong Ngày hội việc làm do Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tổ chức mới đây.

Đại diện doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng lao động tại một ngày hội việc làm cho sinh viên. Ảnh: M.Tâm

Học tốt mà thái độ không tốt vẫn bị loại

Chuyện thật như đùa khi ông Huỳnh Thanh Vạn (Chủ tịch HĐQT Cty S Furniture, Ủy viên Hội đồng Tư vấn - Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam) chia sẻ rằng ông đã từng gặp nhiều cử nhân không biết cách chào hỏi sơ đẳng nhất khi đến dự phỏng vấn xin việc, thậm chí trong đó có những em có bằng tốt nghiệp loại giỏi hẳn hoi, các em ấy không được tuyển. “Sinh viên có rất nhiều kiến thức về chuyên môn nhưng vẫn khó khăn trong tìm việc đa phần do các em yếu kỹ năng. Thậm chí ngay cả kỹ năng cơ bản nhất là chào hỏi cũng không trang bị cho bản thân mình. Kết quả học tập không tốt là một hạn chế lớn nhưng kết quả học tập có tốt mà kỹ năng thái độ không tốt thì vẫn rớt như thường”, ông Vạn nói.

Trong khi đó, ThS. tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ: “Chinh phục nhà tuyển dụng như... chinh phục người yêu, phải hiểu người tuyển dụng cần gì”. Ông đưa ra một dẫn chứng thực tế là đã từng “cầm cân nảy mực” trong hội đồng tuyển dụng cho một tập đoàn giải khát lớn, chứng kiến tận mắt và rất ấn tượng với hồ sơ của một ứng viên dày 108 trang. Trong đó chỉ có 8 trang lý lịch còn lại 100 trang là quá trình ứng viên ấy tìm hiểu hoạt động, tham gia các sự kiện của tập đoàn này trong suốt 4 năm.

Giỏi chuyên môn, rành ngoại ngữ vẫn có nguy cơ rớt

Để lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng, dĩ nhiên học lực là điều kiện hàng đầu. Tuy vậy, ngay cả khi có một hồ sơ kết quả chuyên ngành tốt, ngoại ngữ - tin học tốt, ứng viên vẫn có thể khó tìm việc làm. Thị trường lao động trở nên khắt khe như bây giờ thì sinh viên phải trang bị đầy đủ cả kiến thức - kỹ năng và thái độ.

Thái độ đối với công việc rất quan trọng khi cử nhân mới ra trường mang hồ sơ đi tìm việc. “Nhà tuyển dụng luôn thử thách mình theo những cách khác nhau mà ở đó, thái độ cầu thị, chân thành của bản thân sẽ được họ coi trọng”, ThS. tâm lý Đào Lê Hòa An nói. Vì vậy, ông khuyên sinh viên không chỉ học tập, mà ngay từ bây giờ nên nuôi dưỡng bản thân và có thái độ tích cực, hành động tích cực nhằm nắm chắc cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Mới đây, tại hội thảo kết nối doanh nghiệp - nhà trường trong đào tạo và tuyển dụng nhân sự tổ chức tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho hay: “Thực trạng thị trường lao động luôn diễn biến mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và nhân lực lành nghề chuyên môn. Chính vì vậy luôn xảy ra tình trạng thiếu - thừa, thừa - thiếu trong nhu cầu lao động. Mặt khác, doanh nghiệp luôn cần nhiều nhân lực hài hòa cả ba yếu tố: Kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…)”. Ông Tuấn cho biết thêm, có một nghịch lý đang diễn ra tại thị trường lao động nước ta là: Doanh nghiệp thiếu lao động có trình độ đáp ứng yêu cầu trong điều kiện hội nhập; nhiều sinh viên sau khi được đào tạo ra trường phải làm trái ngành, trái nghề, thậm chí thất nghiệp.

Hoàng Lan