Thứ ba, 18/4/2017, 22h13

Cử nhân hết thất nghiệp, tin xấu hết đất sống

Ngày 18-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành cả ngày để các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm và làm việc tại Trường CĐ Kỹ nghệ II (Q.9, TP.HCM). Ảnh: A.Khánh

Đây là phiên chất vấn đầu tiên của Thường vụ Quốc hội khóa XIV và được tổ chức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành.

Cử nhân sẽ hết thất nghiệp

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, nhiều đại biểu nêu thực trạng hơn 200.000 cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp ĐH thất nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực thấp khó đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là trong lúc các nước trên thế giới đang bước vào kỷ nguyên nền công nghiệp 4.0. Vậy ngành LĐ-TB&XH đã làm gì?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau khi nhận chuyển giao từ Bộ GD-ĐT (tháng 1-2017), Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Theo đó, ban hành 37 văn bản khác nhau về GDNN, đề xuất 10 nhóm giải pháp cơ bản như: xây dựng các chuẩn GDNN; phát huy vai trò của doanh nghiệp (DN) trong đào tạo nghề (ĐTN); đẩy mạnh XHH; đổi mới chương trình, giáo trình theo chuẩn quốc tế; tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo; tăng cường CSVC, thiết bị... Trong đó, tập trung vào 3 đột phá: Tăng cường tự chủ (cơ sở ĐTN hạch toán như DN); Tăng cường sự tham gia của DN vào công tác đào tạo, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa DN với đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của DN; tập trung xây dựng các chuẩn đào tạo theo hướng tiệm cận với chuẩn quốc tế.

“Tăng cường tự chủ cho cơ sở ĐTN nhưng không khoán trắng, mà bắt buộc cơ sở đào tạo phải hạch toán như DN, được tự chọn loại hình đào tạo. Tự chủ từ tổ chức bộ máy đến tài chính, thực hiện đấu thầu theo đầu ra đối với mọi cơ sở đào tạo không phân biệt thành phần kinh tế. Với hình thức này, từ nay đến năm 2020 sẽ không tăng kinh phí cho ĐTN. Như vậy, mỗi năm ngân sách Nhà nước tiết kiệm ít nhất 7% kinh phí chi thường xuyên cho ĐTN”, ông Dung nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn: “Với các giải pháp nêu trên, Bộ trưởng khẳng định khi nào thì không còn tình trạng sinh viên thất nghiệp?”.

Ông Dung trả lời, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ bản là do chưa có liên thông giữa đào tạo và sử dụng lao động. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đang thí điểm cho phép một số cơ sở đã tự chủ liên kết, phối hợp với DN để ĐTN. Tại các cơ sở này, DN trực tiếp tham gia giảng dạy và sẽ sử dụng học viên khi ra trường. Đặc biệt, học viên khi đi thực tập còn được DN trả lương. Cơ sở ĐTN còn cam kết, nếu học viên tốt nghiệp mà không tìm được việc làm sẽ hoàn trả tiền học phí.

“Giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, không chỉ là nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH mà là của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị”, Bộ trưởng LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Nói rõ hơn về thực trạng này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, số lượng cử nhân, kỹ sư thất nghiệp không tăng và có chiều hướng giảm trong thời gian vừa qua là do ngành GD-ĐT đã đẩy mạnh phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT. Năm học 2015-2016, số học sinh khi tốt nghiệp phổ thông đã chuyển sang học nghề, học tại TTGDTX tăng đáng kể.

Về quản lý các cơ sở GDNN, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Bộ LĐ-TB&XH đang triển khai rà soát, đánh giá tổng thể mạng lưới ĐTN, không lập mới các cơ sở công lập không cam kết tự chủ; khuyến khích các cơ sở đào tạo tư thục; sắp xếp lại các trung tâm ở cấp huyện (trung tâm dạy nghề, TTGDTX, trung tâm hướng nghiệp tổng hợp) để tận dụng tối đa công suất phù hợp với địa phương; xử lý các cơ sở đào tạo yếu kém; ĐTN cho khu vực nông thôn phù hợp với thực tế địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời khắc phục các hạn chế, sai phạm; phát huy vai trò chủ động của các cơ quan chủ quản...

Đẩy mạnh cung cấp tin chính thống để chặn tin xấu

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn, các ĐBQH đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác…

Theo đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam là nước có số lượng người dùng mạng xã hội thuộc “top” đầu thế giới. Ở nước ta các thế lực thù địch, bất lương (có nguồn gốc từ nước ngoài) sử dụng triệt để nhằm bôi nhọ chế độ, lãnh đạo, nói xấu, công kích lẫn nhau, đưa tin “bỏng mắt”, “đắng lòng” làm nhiễu thông tin, tung tin giả, phát ngôn thiếu chuẩn mực, kích động hằn thù, nhiều trường hợp vi phạm pháp luật... Để ngăn chặn thông tin xấu, tin độc, tin giả trên mạng, Bộ TT-TT đã ban hành Thông tư 38; đồng thời đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống, trong sạch hóa đội ngũ người làm báo; minh bạch thông tin... Bên cạnh đó, xử phạt nghiêm minh các trường hợp sai phạm; đối với các trường hợp không xác định được nhân thân thì yêu cầu các DN cung cấp thông tin xuyên biên giới gỡ bỏ những thông tin vi phạm.

Về vấn đề tin nhắn rác, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ TT-TT rất trăn trở và đã quyết liệt xử lý vấn đề này. Bộ đã thu hồi khoảng 20 triệu sim rác. Đồng thời phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính để đề xuất cấp thẩm quyền quy định nâng cao mức phạt; tăng cường khuyến khích người dùng sử dụng sim trả sau...

“Tinh thần của bộ là phải chặn ngay từ đầu ra (ngăn chặn từ nhà mạng, “bắt gà ngay trong chuồng”), quản lý chặt chẽ tài nguyên kho số quốc gia; giảm đầu 11 số; quy trách nhiệm cho các nhà mạng; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu”, ông Tuấn nhấn mạnh.

An Khánh