Thứ năm, 21/1/2016, 22h01

Cử nhân thất nghiệp và câu chuyện “được mùa mất giá”

Cuối tháng 12 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH công bố bản tin thị trường lao động quý 3. Qua mỗi bản tin, con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp lại tăng lên. Tuy nhiên, các trường ĐH vẫn đào tạo không ngừng tăng.

Sinh viên đăng ký việc làm trong ngày  hội việc làm ở một trường ĐH tại TP.HCM. Ảnh: V.V

Nguy cơ thất nghiệp chưa dừng

Báo cáo mới nhất của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho thấy quý 3-2015, tỷ lệ thất nghiệp chung đã giảm nhưng số lượng người có trình độ ĐH, sau ĐH thất nghiệp tăng cao là hơn 220.000 (tăng 22.000 người so với quý 2). Trao đổi với báo chí về nguyên nhân vì sao tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều, GS. Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng có 3 lý do: Thứ nhất, quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường; Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực đào tạo ra chưa đáp ứng được nhu cầu, thực tế nhiều doanh nghiệp cần tuyển người nhưng không tuyển được. Thứ ba, quy hoạch nhân lực đào tạo không phải chỉ là số lượng mà còn phải đảm bảo hợp lý về cơ cấu vùng miền, ngành nghề, trình độ, chất lượng. Có thể thấy, lao động tốt nghiệp ĐH thất nghiệp nhiều nhưng tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, trong khi nhiều vùng sâu vùng xa thiếu người có trình độ lại không tuyển được. Còn bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, tỷ lệ lao động trình độ ĐH thất nghiệp tăng là do quy mô tuyển sinh ĐH quá cao so với nhu cầu lao động. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến số lao động có chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là trình độ ĐH gia tăng. Trong khi đó, thực tế, có rất nhiều cử nhân ra trường đã phải chọn việc làm trái ngành nghề đã học để có việc làm. Nguyễn Ngọc Phương, quê Nam Định, tốt nghiệp cử nhân công nghệ thông tin nhưng Phương lại đang làm công nhân kỹ thuật sửa chữa điện tại một công ty chuyên bảo dưỡng thiết bị điện cho các khu công nghiệp, nhà máy. Phương cho biết, công việc hiện tại không liên quan đến ngành nghề đã học nhưng vì không xin được đúng nghề nên phải làm. Phương cũng đang có ý định học văn bằng hai ngành liên quan đến cơ điện để phục vụ cho công việc của mình. “Sau 4 năm học ĐH, ra trường đi làm mới biết mình chọn nhầm nghề. Giờ lại đi học lại” - Phương chia sẻ.

Ngành mới: Theo thị trường hay theo doanh thu của trường?

Trước thềm mùa tuyển sinh 2016, các trường ĐH bắt đầu đưa ra thông tin về ngành nghề để thí sinh tham khảo. Năm nay, dự kiến sẽ có thêm rất nhiều ngành nghề mới được mở ra như ĐH Bà Rịa Vũng Tàu, trường sẽ mở 5 chuyên ngành mới gồm: An ninh thông tin, cơ khí ô tô, kỹ thuật phân tích, kế toán ngân hàng, Đông Nam Á học, bổ sung tổ hợp môn toán - vật lý - lịch sử; toán - vật lý - địa lý. ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long cho biết, năm nay, trường dự kiến tuyển 1.400 chỉ tiêu ĐH chính quy, 180 chỉ tiêu CĐ (giảm 50% so với 2015). Trong đó, trường tuyển sinh 2 ngành mới là thú y (thi khối B) và công tác xã hội (khối C), mỗi ngành 50 chỉ tiêu.

Thêm ngành mới là thêm sự lựa chọn cho thí sinh năm 2016. Tuy nhiên, theo phân tích của TS. Phạm Mạnh Hà, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, những ngành mới mở thường có 2 mục đích: Có thể xuất phát từ nhu cầu đào tạo nhân lực thực tế, nhưng cũng có thể các trường cố ý đặt tên ngành hấp dẫn để thu hút thí sinh. Sự lẫn lộn giữa 2 mục đích này khiến thí sinh có thể bị nhiễu thông tin, đôi khi chỉ nhìn tên ngành hấp dẫn, cộng với việc nghe quảng cáo thấy nhiều người ra trường xin được việc là nộp hồ sơ. Những yếu tố như năng lực bản thân hay chất lượng đào tạo không được xem xét kỹ. TS. Phạm Mạnh Hà nhận định, cách chọn ngành học của nhiều thí sinh hiện nay khá giống với cách chọn giống cây trồng của người nông dân: Thiếu thông tin dẫn đến “được mùa mất giá”. Vòng luẩn quẩn này bắt đầu từ việc các trường mở ngành ồ ạt, không xét tới năng lực đào tạo và nhu cầu nhân lực. Nghe thấy tên ngành hấp dẫn, thí sinh cũng ồ ạt lao vào học. Quá nhiều người học dẫn đến nguồn nhân lực dư thừa, “được mùa mất giá”. Đến lúc đó, sinh viên cũng rất khó tìm công việc trái ngành, vì các ngành mới mở đa phần mang tính đặc thù, đào tạo chuyên sâu một lĩnh vực cụ thể.

Vậy làm thế nào để hạn chế, giảm thiểu cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp? Vấn đề này cần chính sách tổng thể từ tiền lương, phân luồng, phân tầng các trường và giảm quy mô, tăng chất lượng tại các trường ĐH.

Nghiêm Huê