Thứ tư, 15/11/2017, 15h49

Cử tri đề nghị chất vấn về đất quốc phòng

Ngày mai, 16-11, Quốc hội sẽ bước vào nội dung chất vấn và trả lời chất vấn.

Cử tri đề nghị chất vấn về đất quốc phòng  ​

 Phiên chất vấn diễn ra trọn 3 ngày, từ ngày 16 đến 18-11, được truyền hình, phát thanh trực tiếp cho cử tri và nhân dân cả nước theo dõi. So với các kỳ họp trước, phiên chất vấn lần này kéo dài thêm nửa ngày.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn

Theo chương trình cụ thể, sáng 16-11, Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc phiên chất vấn, tiếp đến Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Sau đó, Quốc hội tiến hành chất vấn thành viên Chính phủ đầu tiên là Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trả lời chất vấn về công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá), hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững; giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả. Tại phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, dự kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn gồm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan (nếu có). Thời gian Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn ĐBQH đến 15g chiều 16-11.

Sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn, từ 15g chiều 16-11, Quốc hội chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý; hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ sẽ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng cùng tham gia trả lời chất vấn: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan (nếu có).

Từ 10g20 ngày 17-11 đến hết ngày, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình; giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội. Trong nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng cùng tham gia trả lời chất vấn: Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan (nếu có).

Từ 8g sáng 18-11, Quốc hội chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, các vụ án tham nhũng; việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Trong nội dung này, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các Bộ trưởng cùng tham gia trả lời chất vấn: Công an, Nội vụ, Tư pháp và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan (nếu có).

 Từ 14g ngày 18-11, Thủ tướng Chính phủ phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong các phiên chất vấn. Phần trả lời chất vấn của Thủ tướng sẽ khép lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội này.

Cử tri đề nghị chất vấn về đất quốc phòng

Theo bản tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp Quốc hội thứ tư do Ban Dân nguyện của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội tập hợp, cử tri quan tâm nhiều đến công tác chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, cử tri mong muốn nội dung chất vấn và trả lời chất vấn cần ngắn gọn, đi vào trọng tâm, người được chất vấn phải báo cáo những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội và giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, bất cập. Cử tri đánh giá cao hiệu quả hoạt động chất vấn của Quốc hội trong thời gian qua. Tuy nhiên, cử tri cho rằng thời gian dành cho ĐBQH đặt câu hỏi và người bị chất vấn trả lời vẫn còn quá ít, khó tranh luận đến cùng. Cử tri đề nghị tăng thời gian mỗi lần chất vấn của ĐBQH không quá 3 phút. Người bị chất vấn trả lời chất vấn của một đại biểu không quá 7 phút, để bảo đảm nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động chất vấn.

Thời gian vừa qua, các hoạt động của Quốc hội được người dân rất quan tâm và đồng tình, đặc biệt là các phiên chất vấn của ĐBQH và trả lời chất vấn của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên cử tri đề nghị Quốc hội cần giám sát, đôn đốc việc thực hiện lời hứa của các Bộ, ngành để báo cáo trước Quốc hội và thông báo công khai để người dân được biết.

Cử tri đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành Nghị quyết quy định rõ thời hạn giải quyết, trả lời kiến nghị sau giám sát; có chế tài cụ thể đối với các cơ quan, cá nhân chịu sự giám sát chậm hoặc không giải quyết các kiến nghị của các Đoàn giám sát.

Cử tri phản ánh hiện nay việc sử dụng đất quốc phòng tại một số địa phương có nhiều sai phạm; quy định quân đội thôi làm kinh tế, hiện chưa rõ quá trình này sẽ được thực hiện ra sao với số lượng không nhỏ các doanh nghiệp của Quân đội có mặt tại các ngành, từ ngân hàng, viễn thông, bất động sản, may mặc, vận tải, khách sạn, công nghệ thông tin và giải trí... Đề nghị tại kỳ họp Quốc hội gần nhất, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để làm rõ hơn trách nhiệm và định hướng của Bộ trong thời gian tới.
Nhiều cử tri kiến nghị Quốc hội nghiên cứu đưa nội dung giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)” vào chương trình thảo luận chính thức của Quốc hội tại hội trường.

Cử tri cho rằng, tuy nội dung giám sát trên là chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng đang là vấn đề nóng của xã hội, được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Cử tri đồng tình việc thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xã hội trong đó có hình thức hợp đồng BOT là đúng đắn, giúp giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tế triển khai về thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ, đặt trạm BOT thu phí trong thời gian qua được dư luận phản ánh còn chưa hợp lý dẫn đến một số dự án gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ về vấn đề này, làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý các cơ quan, đơn vị, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm.

PHAN THẢO/ SGGP