Thứ bảy, 13/6/2009, 16h06

Cúm A/H1N1: Phần lớn người bệnh dưới 25 tuổi

Theo WHO, vi rút cúm A/H1N1 ảnh hưởng nhiều ở nhóm người trẻ tuổi. Tại hầu hết các khu vực có các vụ bùng phát dịch lớn và lan truyền liên tục trong cộng đồng, phần đông các ca mắc là những người dưới 25 tuổi.

Tại một số quốc gia, có khoảng 2% số ca khởi phát bệnh nặng, nhanh chóng chuyển thành viêm phổi, đe dọa tính mạng. Hầu hết các ca lây nhiễm nghiêm trọng và gây tử vong đều ở người trưởng thành độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi. Tuy nhiên, người dân cũng không nên quá hoang mang, lo lắng, vì đại đa số các ca mắc chỉ bị bệnh nhẹ và nhanh chóng phục hồi hoàn toàn mà không cần đến bất cứ loại thuốc nào trừ paracetamol để giảm sốt.  
Ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên tại Hà Nội sức khỏe đã ổn định (Ảnh: H.Hải)
Theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, hình thái này đặc biệt khác với những gì đã xảy ra trong các dịch cúm mùa, khi hầu hết các ca tử vong xảy ra ở những người già yếu.
Hiện tình hình dịch cúm A/H1N1 đang diễn biến phức tạp trên nhiều nước trên thế giới, số nước mới xác nhận có cúm A/H1N1 tăng nhanh, trung bình mỗi ngày có thêm 2 - 5 nước ghi nhận và thêm 1.100 trường hợp dương tính.
Sau ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội vừa có công điện khẩn yêu cầu các sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai ngay các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm A/H1N1. Ngoài ra, người dân có thể gọi điện đến số 04.37732592 (đường dây nóng của Sở Y tế Hà Nội) để được tư vấn về dịch cúm A/H1N1.
Sở y tế TPHCM thông báo:
Đề nghị những hành khách trong các chuyến bay sau , đã có hành khách nhiễm cúm A/H1N1
- UA 869 bay từ Mỹ (San Francisco) quá cảnh qua HongKong về Việt Nam (sân bay TSN) lúc 22g46 ngày 09/6/2009
- VN 951 bay từ Mỹ quá cảnh qua Nhật về đến Việt Nam (sân bay TSN) lúc 14g25 ngày 10/6/2009.
Thực hiện việc tự cách ly, mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, tránh nơi đông người và theo dõi tình trạng sức khỏe. Nếu có vấn đề gì thì thông báo cho các cơ sở y tế hoặc gọi về đường dây nóng của SYT TPHCM theo số 08. 39309981 để được hướng dẫn.
Kể từ trường hợp đầu tiên ở Mexico ngày 18/3/2009, đến 11/6/2009 đã có 74 nước, vùng lãnh thổ ghi nhận với 28.774 trường hợp mắc, trong đó có 144 trường hợp tử vong. Trong hai ngày 09 - 10/6/2009 đã ghi nhận bổ sung 2.449 trường hợp mắc, 2 trường hợp tử vong, 01 nước mới xác nhận có cúm A/H1N1 là Ucraina. Ngoài ra, WHO cảnh báo thời gian đại dịch có thể kéo dài nhiều tháng nên các quốc gia cần phải có sự chuẩn bị để đáp ứng.
Tại Việt Nam, chiều 12/6, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường cho biết, Việt Nam đã xác nhận thêm 01 ca dương tính với cúm A(H1N1), là trường hợp nam 35 tuổi, quốc tịch Mỹ, về Việt Nam trên chuyến bay VN951 ngày 10/6/2009 tại sân bay Tân Sơn Nhất, quá cảnh tại Nhật Bản.
Đặc biệt, xuất hiện ca lây nhiễm qua tiếp xúc thứ 3. Đó là một bé trai Việt Nam, 2 tuổi đã bị lây nhiễm khi tiếp xúc với bệnh nhân Đ.V.K, bé trai 4 tuổi, quốc tịch Mỹ. Hiện sức khỏe bé H.Q.T.T.T ổn định và đang được điều trị cách ly.
Như vậy đến ngày 12/6/2009, Việt Nam đã có 25 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, bao gồm 22 trường hợp được cách ly, điều trị tại TP. Hồ Chí Minh (trong đó 8 ca đã được xuất viện), 1 trường hợp đang được cách ly, điều trị tại Tiền Giang và 01 trường hợp đang được cách ly, điều trị tại Hà Nội. Không có tử vong, các bệnh nhân đang điều trị đều có sức khỏe ổn định.
WHO đưa ra lời khuyên, để phòng ngừa vi rút cúm A/H1N1, người dân cần: Rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên và kỹ lưỡng; Che miệng và mũi khi bạn ho và hắt hơi bằng tay áo, khăn giấy, hay khẩu trang; Tránh tiếp xúc gần với những người có vẻ như không khỏe và những người bị sốt và ho. (Nếu bạn là người bị bệnh, hãy cố tránh xa những người khác); Giảm thời gian lưu lại ở những nơi đông người nếu có thể; Tăng cường thông khí tại nơi sinh hoạt bằng cách mở các cửa sổ; Thực hành các thói quen tốt cho sức khỏe như ngủ đủ, ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, và tích cực hoạt động thể chất.
Sẽ lắp máy đo thân nhiệt đặt tại sân bay Vinh
Trước nguy cơ dịch cúm A H1N1 có thể lây lan trên dịch rộng, ngành Y tế Nghệ An đã trích hơn 7 tỷ để mua sắm các trang thiết bị hỗ trợ cho việc phòng trừ dịch bệnh và dự kiến sắp tới sẽ lắp một máy đo thân nhiệt tại sân bay Vinh. 
Hiện tại tỉnh Nghệ An đã có một Máy X-quang di động, máy thở cao, máy thở xâm nhập, máy phun hoá chất, máy hút áp lực thấp, máy tạo nén 02, máy truyền dịch tự động, bơm tiêm điện, máy huyết học 18 TS, máy đo độ bão hoà 02, hệ thống PCR, máy phun cỡ lớn trên ô tô.
Thời gian tới ngành cũng đang dự trù và báo cáo với UBND tỉnh Nghệ An về kinh phí để mua sắm thêm máy đo thân nhiệt để lắp đặt tại sân bay Vinh; bên cạnh đó cũng sẽ mua thêm máy lọc máu liên tục (cấp cho Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa), máy thở, máy chuyền dịch, bơm tiêm điện… với tổng dự toán kinh phí cho phòng chống dịch là gần 12 tỷ đồng.
 Nguyễn Duy
Hồng Hải - Ngọc Thanh (Dan tri)