Thứ tư, 3/2/2016, 14h04

Cùng nông dân ăn Tết trên ruộng đồng

Luôn gần dân, quý dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc là bài học của người chiến sĩ cách mạng dù trong chiến tranh hay thời bình. Đó là lời chia sẻ sâu sắc của Anh hùng Lao động Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang trước đây) chia sẻ với bạn bè và những đồng đội cũ mỗi khi có dịp gặp mặt nhau. 
Với ông Thòn, tinh thần tin dân và biết dựa vào sức dân là bí quyết của mọi sự thành công: “Nếu không có dân đùm bọc chúng tôi trong thời kháng chiến thì không có được ngày hôm nay và nếu không tin vào dân thì chúng tôi cũng không thể có được những thành quả lớn lao như bây giờ”. Biết bao câu chuyện đi qua cuộc đời ông là minh chứng cho lời chiêm nghiệm đó. 
Cứu vãn “một bàn thua” ngay trên ruộng 
Năm 1969, Huỳnh Văn Thòn rời nhà đi làm cách mạng. Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 trở thành gia đình thứ hai của cậu bé 11 tuổi. Chiến tranh cày nát vùng chiến khu, cậu lại phải ra ở nhà dân để tránh bom đạn. Từ đó Thòn lớn lên trong sự cưu mang của những tấm lòng thơm thảo. Dù 45 năm đã trôi qua nhưng thời gian vẫn không xóa nhòa được những ký ức đã in sâu vào trong tâm trí của ông. “Được đưa vào ở trong nhà má Hai là cháu ruột của bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước - PV) tôi phải lấy tên Hải là đứa con trai của má Hai đã đi ra Bắc trước đó. Một lần vì công việc gấp tôi phải bí mật ra đi mà không báo với gia đình làm ai cũng trông đợi. Khi trở về mới biết mọi người khóc và lo lắng cho tôi. Má Hai cứ ôm tôi hoài như sợ mất tôi một lần nữa. Đến tận bây giờ tôi vẫn cảm nhận được tình thương lớn lao vô bờ bến này”, ông Thòn tâm sự. Đây cũng là tình cảm không gì đo được của những bà bầm, bà bủ ở vùng trung du Vĩnh Phú luôn dành hết yêu thương cho đứa con Nam bộ xa gia đình ra miền Bắc đi học chịu nhiều thiếu thốn. Từ đó trong hành trang cuộc đời mình, ngoài tinh thần cống hiến ông có thêm sức mạnh từ tấm lòng và niềm tin của Nhân dân. Nhiều người nói rằng, tin vào dân nhưng chỉ ghi ơn bằng miệng mà không chịu trả ơn bằng việc làm không phải là “phong cách sống” của ông. Vào những năm 1990, người dân An Giang vẫn không quên dịch rầy nâu hoành hành trên những cánh đồng lúa đang chuẩn bị vào mùa. Do không dự đoán được tình hình dịch bệnh và trong túi thiếu tiền, nên nông dân nơi đây chỉ biết trông chờ vào số phận. Thế rồi như có một phép tiên, ông cùng với Công ty Bảo vệ thực vật An Giang trở thành “ông Bụt” xuất hiện thật đúng lúc để cứu vãn “một bàn thua” ngay trên ruộng nhà. Ông hào hứng kể: Do nắm được tình hình thời tiết và dựa vào kinh nghiệm nhiều năm nên công ty dự báo được dịch rầy nâu xảy ra trên diện rộng. Không có cách nào hơn chúng tôi phải dự trữ số lượng thuốc lớn đủ sức ngăn dịch dù thiếu tiền. Đúng như dự đoán, dịch rầy nâu xuất hiện ngay vào ngày 30 tháng chạp. Và ngay sáng mùng một Tết năm đó toàn bộ nhân viên và kỹ sư của công ty đều phải ra đồng. Chỉ sau vài ngày có thêm lực lượng sinh viên thực tập hỗ trợ và sự ứng phó kịp thời mà dịch rầy nâu được dập tắt. 
Cũng với những lần “giải cứu” thành công khác mà người dân có thêm niềm tin và coi đơn vị là những bạn đáng tin cậy nhất của nông dân. Từ thực tế người nông dân thừa kinh nghiệm nhưng thiếu kiến thức lý thuyết nên Giám đốc Thòn đã giúp họ có thêm chiếc cầu nối khoa học kỹ thuật với đội ngũ kỹ sư nông nghiệp. Đó cũng là ý tưởng sáng tạo để sau này công ty cho ra đời lực lượng 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) được Guinness Việt Nam công nhận là lực lượng cùng nông dân ra đồng lớn nhất nước vì có hơn 25.000 hộ dân cùng với 1.325 kỹ sư nông nghiệp tham gia. Đó cũng là thành công của một vị lãnh đạo luôn lấy “nhân trị” làm đầu.
Lực lượng 3 cùng xuống ruộng với bà con nông dân 
Vươn ra biển lớn
Với đội ngũ hơn 1.300 cán bộ kỹ thuật nông nghiệp là “Lực lượng 3 cùng”, đến nay Tập đoàn Lộc Trời có vùng nguyên liệu trên 70.000ha. Tuy nhiên với cương vị người đứng đầu, ông Thòn vẫn chưa chịu dừng chân khi đưa ra dự tính sẽ mở rộng trên 300.000ha tại ĐBSCL năm 2018. Có 5 nhà máy xay xát chế biến gạo công suất 1 triệu tấn/ năm với dây chuyền thiết bị hiện đại và đạt tiêu chuẩn HACCP thế nhưng trong tương lai gần, Tập đoàn Lộc Trời sẽ đầu tư thêm các nhà máy có khả năng cung ứng cho thị trường từ 700.000 đến 800.000 tấn gạo/năm. 
Còn nhớ chương trình Cùng nông dân ra đồng chính thức được triển khai vào năm 2006 đã tạo nên bước chuyển biến nhảy vọt trong việc tiếp cận kỹ thuật canh tác hiện đại cho nông dân cả nước. Có tiếp xúc với lực lượng 3 cùng ở một số nhà máy tại Long An, Đồng Tháp, Bạc Liêu, An Giang mới thấy sự hy sinh hết mình của đội ngũ cán bộ kỹ sư sống xa nhà chấp nhận mọi thiếu thốn để “đồng cam cộng khổ” với bà con nông dân từng ngày trên đồng ruộng. Đây cũng là tiền đề để sau đó “Công ty ông Tư” liên kết với nông dân tiên phong vươn ra cánh đồng mẫu lớn và dấn thân vào lĩnh vực lúa gạo. 
Dự án lúa gạo khép kín từ đồng ruộng đến bàn ăn được Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thòn ấp ủ ngày nào bây giờ đã thành hiện thực và đang được triển khai theo chiều hướng tốt. Cánh đồng mẫu lớn sản xuất theo quy trình khép kín bền vững đã trở thành “bà đỡ mát tay” đầy tính nhân văn để người dân thoát khỏi cảnh: Được mùa mất giá - được giá mất mùa. 
Không chỉ tiên phong làm chuỗi giá trị lúa gạo, dưới sự chỉ huy của người cán bộ tuyên huấn Tư Thòn năm xưa, Tập đoàn Lộc Trời (Lộc Trời Group) còn vươn tới chuỗi giá trị cây cà phê là thế mạnh chủ lực tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Người nông dân trồng lúa hôm nay đã không phải lo giống, phân, thuốc, bao bì và tiêu thụ sản phẩm như thời kỳ khốn khó vì đã có “ông Tư Thòn” giúp sức. Cho tôi xem một túi thành phẩm, Tổng Giám đốc Tư Thòn phấn khởi khoe: “Đây là gạo Hạt ngọc trời từng được Công ty Giám định OMIC Nhật Bản chứng nhận đạt hơn 600 chỉ tiêu về hóa chất và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn nhập khẩu của Nhật Bản, được xuất khẩu ra hơn 30 nước trên thế giới”. Trước đó gạo 103 Lộc Trời hãnh diện đứng vào tốp 3 gạo ngon nhất thế giới (cùng với gạo Mỹ và Campuchia). Song, cũng không ít khách hàng lớn tuổi đã quá quen thuộc với những “chén cơm nên thuốc” được nấu từ gạo mầm Vibigaba để đẩy lùi căn bệnh tiểu đường và cao huyết áp. Trong những ngày đầu tháng 7 năm nay khi Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, Lộc Trời Group đã được Đài Truyền hình nước bạn giới thiệu là một trong 3 tập đoàn kinh tế nông nghiệp uy tín nhất của Việt Nam. Những tín hiệu khả quan đã cho thấy Lộc Trời Group đang đủ sức “vươn ra biển lớn” để sánh vai cùng với những tập đoàn ưu tú khác trên thế giới. 
Không chỉ xây dựng thương hiệu bằng chuỗi sản phẩm an toàn, chất lượng, nhiều hoạt động xã hội, từ thiện đã được đơn vị tiếp nối từ nhiều năm nay mà tiêu biểu là chương trình Quỹ chăm sóc sức khỏe nông dân, “Nghĩa tình Lộc Trời” xây cầu, tặng học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học, tài trợ cho giải đua xe đạp về nông thôn toàn quốc hằng năm, đóng góp kinh phí cho các chương trình họp mặt đồng đội cũ Ban Tuyên huấn Khu ủy hơn 10 năm qua. Đó cũng là cách tri ân khách hàng và biết ơn những tấm lòng cưu mang của Nhân dân đối với cách mạng với truyền thống đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc Việt Nam mà Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thòn - một cán bộ tuyên huấn đã trở thành Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới cứ mang nợ suốt cả đời.
Ngọc Quang