Thứ năm, 6/7/2017, 22h32

Cuộc chiến “fan cuồng”

“Fan cuồng” là hiện tượng không còn quá xa lạ ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đây là thực trạng đáng báo động, khiến nhiều người trong giới làm nghệ thuật ít nhiều ngao ngán.

Khán giả là sinh viên, học sinh đang xem live show ca sĩ Mỹ Tâm. Ảnh: K.N

“Nảy lửa” vì thần tượng

Hình ảnh những thanh thiếu niên khóc vật vã, quỳ gối... vì muốn được gặp thần tượng đã bị bêu rếu trên nhiều trang mạng xã hội. Không chỉ các nhân vật giải trí, những hình tượng được tôn xưng thái quá, huyền thoại hóa đến mức trở thành thần tượng cũng có một lượng người ủng hộ khá đông. Ở Việt Nam, hiện tượng “fan cuồng” đang dần có những biểu hiện tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ giữa các nghệ sĩ nói riêng và đời sống văn hóa nghệ thuật nói chung. Những cuộc chiến “nảy lửa” vì thần tượng đã cho thấy đây không còn là vấn đề nhỏ khi fan (người hâm mộ) càng ngày càng thể hiện thái độ “cuồng” đến mức gây nên những cuộc khẩu chiến ầm ĩ trên các trang mạng xã hội. Mới đây, nhạc sĩ Dương Khắc Linh đăng một đoạn clip kèm theo dòng trạng thái: “Jessica lipsync hay quá” (Jessica hát nhép hay quá) trên trang cá nhân Instagram. Ngay lập tức, anh phải nhận về những lời chửi bới thô tục của một số cư dân mạng là thần tượng của ca sĩ Jessica.

Nhìn lại Việt Nam, tuy chúng ta chưa có một vụ việc đau lòng tương tự như ở Hàn Quốc nhưng không hề thiếu những “fan cuồng” đối với những diễn viên, ca sĩ ngoại quốc cũng như trong nước. Vụ việc của nhạc sĩ Dương Khắc Linh một lần nữa đã cho thấy nhiều nghệ sĩ đã thật sự chán ngán trước các “fan cuồng”. Chỉ vì một nhận định thể hiện quan điểm của cá nhân, hàng loạt người hâm mộ ca sĩ Jessica (thành viên nhóm SNSD - Hàn Quốc) đã lên án, dùng những lời lẽ khiếm nhã với nhạc sĩ Dương Khắc Linh. Để không phải nhận thêm phiền toái nào, nhạc sĩ Dương Khắc Linh đã đóng cửa Instagram đồng thời xin lỗi fan của Jessica cũng như ca sĩ này vì nhận định của mình. Theo nhạc sĩ Dương Khắc Linh: “Thôi thì xin lỗi cho yên thân. Đó là điều họ muốn và mình cứ làm thế cho qua chuyện”.

Hội chứng “cuồng” thần tượng, hay điên loạn thần tượng đang là “mốt” của một bộ phận giới trẻ. Nhạc sĩ Dương Khắc Linh không phải là nạn nhân đầu tiên bị ném đá bởi những người trẻ “cuồng” thần tượng.

Thần tượng nhưng đừng cuồng si

Hiện nay ở Việt Nam, fanclub của Sơn Tùng M-TP được xem là lực lượng fan hùng mạnh nhất và cũng “nguy hiểm” nhất. Bởi, họ sẵn sàng gây chiến vì thần tượng của mình bất chấp đúng, sai. Nhiều nghệ sĩ Việt và những người làm truyền thông đã ngao ngán vì lượng fan của ca sĩ trẻ này. Ca sĩ Mỹ Linh cũng từng bị “ném đá” khi cho rằng Hoài Lâm có phần diễn xuất trội hơn cả phiên bản gốc trong màn hóa thân thành Sơn Tùng M-TP ở một chương trình truyền hình.

Trên thực tế, có những cuộc “khẩu chiến” đã khiến cho fan hâm mộ của hai bên trở thành đối đầu của nhau, xem nhau như kẻ thù. Fan bên nào cũng quyết “chiến đấu” đến cùng để bảo vệ thần tượng của mình và nhất mực điều thần tượng mình nói là đúng.

Hội chứng “cuồng” thần tượng, hay điên loạn thần tượng đang là “mốt” của một bộ phận giới trẻ. Nhạc sĩ Dương Khắc Linh không phải là nạn nhân đầu tiên bị ném đá bởi những người trẻ “cuồng” thần tượng. 

Chưa bàn đến chuyện đúng và sai mà hãy nói đến chuyện hay và dở. Dù ít hay nhiều thì sự thái quá trong khi thể hiện lòng hâm mộ đối với “thần tượng” của nhiều fan hâm mộ hiện nay còn chứa đựng trong đó cả sự tự trọng. Điều này cho thấy văn hóa ứng xử, khả năng điều chỉnh hành vi trước xã hội của không ít bạn trẻ là đang có vấn đề nghiêm trọng. Việc biến mạng xã hội thành “chiến trường” để bảo vệ cho thần tượng của mình là biểu hiện của sự kém văn hóa. Chính nhạc sĩ Dương Khắc Linh, MC Nguyên Khang… đã từng kêu gọi các đồng nghiệp nên hạn chế nổi giận trên trang cá nhân bởi đó là điều không lợi cho nghệ sĩ. Một số nghệ sĩ khác như: Lê Minh Sơn, Cẩm Ly… thậm chí còn kiên quyết nói “không” với facebook để tránh những rắc rối, xáo trộn trong đời sống. Việc ngại đụng chạm đồng nghiệp và sợ fan của nghệ sĩ tấn công trên mạng xã hội cũng là một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động phê bình không phát triển trong đời sống nghệ thuật hiện nay.

Theo các bác sĩ chuyên khoa về thần kinh, tâm thần và các chuyên gia tâm lý thì lại có cái nhìn đầy lo ngại về “hội chứng cuồng thần tượng”, bởi với tuổi vị thành niên thì rất dễ thành “căn bệnh lây lan” theo kiểu đám đông, nhất là người trẻ không có sức khỏe, tinh thần tốt, sẽ ảnh hưởng lớn trong việc định hình, phát triển nhân cách. “Cuồng” thần tượng là dạng biểu hiện bất thường trong quá trình phát triển tâm lý, nhất là lứa tuổi vị thành niên. Nếu không được người lớn định hình, sẽ dễ bị rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý, dẫn đến những căn bệnh trầm cảm, phân liệt, cuồng loạn đang khá phổ biến. Ðó là những tác hại cần phải được cảnh tỉnh và lường trước.

Yên Hà