Thứ hai, 26/10/2009, 15h10

Cuộc thi Giải quyết tình huống giáo dục lần X: Không chỉ là sân chơi...

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Tiến Đạt (bìa trái) trao giải cho tác giả đạt giải lần 9 năm 2008. Ảnh: T.T.Q

Niềm vui lớn nhất của cuộc thi lần này không phải chỉ ở chỗ hơn hẳn các cuộc thi trước về số lượng, chất lượng, tâm huyết các bài dự thi; phong phú đa dạng về đối tượng thi (có giáo viên, có ban giám hiệu, có tổng phụ trách, có bảo mẫu, có cả người bảo vệ trường, có sinh viên, có giảng viên, có phụ huynh… Có trường gần như 100% hội đồng sư phạm đều tham gia như Tiểu học Kim Đồng - Gò Vấp) mà còn ở ý nghĩa lớn lao, thiết thực của nó. Cuộc thi như một hồi chuông thức tỉnh mỗi kỹ sư tâm hồn hãy xem lại vai trò “tấm gương sáng” của mình mỗi ngày trước những “búp trên cành” mà mình đang chăm chút, yêu thương.
Thật xúc động khi chính cuộc thi đã góp phần nhỏ bé làm thay đổi không chỉ nhận thức, không chỉ thái độ ứng xử mà cả hành vi mang định hướng tích cực không chỉ ở một cá nhân mà còn ở cả một tập thể, nhiều tập thể. Trong bài dự thi tác giả Ngọc Nghĩa (Tiểu học Quảng Minh B, Quảng Trạch, Quảng Bình) đã chân thành bày tỏ: “Riêng ở trường tôi sau khi có cuộc thi Giải quyết tình huống giáo dục lần X (GQTHGDX) đăng trên Báo Giáo Dục TP.HCM toàn thể Hội đồng sư phạm đã xếp thành 2 hàng dọc cùng hát quốc ca với học sinh”. Nhìn ở góc độ này rõ ràng cuộc thi GQTHGDX không chỉ là sân chơi để thử thách tư duy, chia sẻ những nỗi niềm, những ký ức mà đã thực sự chuyển hóa thành một phong trào, một định hướng khá cụ thể thiết thực hưởng ứng cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực.
Vấn đề cuộc thi đặt ra ở đây đã được hầu hết các đối tượng dự thi nắm bắt khá trúng và giải quyết tương đối thỏa đáng. Đó là việc lâu nay trong giáo dục (và cả trong nhiều lĩnh vực khác) đang tồn tại một thực trạng: người thầy (người tổ chức, lãnh đạo một tập thể) luôn đóng thuần nhất vai trò người chỉ giáo, dạy bảo, chỉ quen xét trò (xét người dưới quyền mình) mà quên xét mình nên chỉ quen ra lệnh mà quên lắng nghe. Khoảng cách thầy trò vì thế luôn xa vời; tính tích cực của học sinh khó có cơ hội được phát huy, được bùng nổ. Thông qua việc cô hiệu trưởng Bích Ngọc bằng cái tâm và cái tầm cùng ý thức muốn đổi mới cách thức quản lý theo tinh thần thân thiện không chỉ muốn lắng nghe ý kiến của giáo viên mà mong được nghe tiếng nói thật của chính mỗi học sinh đã có sáng kiến cho đặt hộp thư “Điều em muốn nói với cô hiệu trưởng” ngay trước phòng làm việc của mình. Rồi “Bức thư không tên” với hai nội dung quá bất ngờ đã đến với cô. Tình huống đặt ra bốn cách lựa chọn có thể giải quyết. Trong số hàng ngàn ý kiến tham gia, hàng trăm bài chính thức dự thi, có 33 bài vào chung kết được chọn đăng thì có tới 27 bài chọn giải pháp 3 (c): “Bình tĩnh. Chọn thời điểm thích hợp, cho đọc công khai thư đó trước hội đồng sư phạm, coi đây như một bài học quý để ban giám hiệu cùng giáo viên rút kinh nghiệm trong việc nêu gương sáng trước các em ở mọi hoàn cảnh, việc làm”. Đây là giải pháp xét về mặt nhận thức và hành động nó thể hiện rõ nhất tính chuẩn mực sư phạm. Điều bức xúc nhất mà em học sinh “giấu tên” muốn nói là mong sao các thầy cô trước khi dạy chúng em bằng lời hãy dạy chúng em bằng chính những hành vi nhỏ nhất của mình. Việc cô Bích Ngọc chọn cách đọc công khai bức thư này trước hội đồng sư phạm là cô đã thực hiện đúng nguyện ước của em học sinh kia. Chắc hẳn sau khi nghe bức thư này không một giáo viên nào không “giật mình” tự soi lại mình và nghiêm khắc tự điều chỉnh chính mình. Ở các bài thi đoạt giải, nhất là ở những bài đạt giải cao như bài của cô giáo Trần Thị Tuyết Mai Trường Kim Đồng - Gò Vấp (giải nhất), Phan Thị Minh Thi Trường An Phước - Củ Chi (giải nhì) không chỉ đi sâu phân tích khá thuyết phục ý nghĩa và tác dụng sâu sắc của giải pháp này mà còn tinh tế chỉ ra những lý do không thể chấp nhận của các giải pháp còn lại mà tình huống đặt ra.
Bên cạnh những bài thi có chất lượng tốt không ít bài thi nội dung viết còn dàn trải, hời hợt. Có một số bài viết cho có “phong trào” nên có hiện tượng từa tựa nhau, thậm chí giống hệt nhau.
Dù còn đôi điều chưa thỏa mãn song nhìn chung cuộc thi GQTHGD lần X vẫn là cuộc thi thành công ngoài mong đợi về cả ý nghĩa thời sự thực tiễn cũng như ý nghĩa định hướng giáo dục lâu dài. Mong sao cuộc thi GQTHGD những lần tiếp theo trên Báo Giáo Dục TP.HCM ngày càng được đón nhận nhiều hơn nữa những tâm huyết mới, những tấm lòng mới để cuộc thi này mãi mãi không chỉ là sân chơi bổ ích thú vị…
NGƯT NGUYỄN NGỌC KÝ
(Đại diện BGK)

Kết quả cuộc thi Giải quyết tình huống giáo dục lần X
(Giám khảo: Nguyễn Ngọc Ký, Tạ Văn Doanh và Nguyễn Thanh Tú)
TT
Họ tên
Địa chỉ
Tên bài. Số báo
Giải
1
Ngô Thị Mai
Hiệu trưởng TH Trung Lập Hạ – Củ Chi
Tự sửa lại mình
SB: 617
KK
2
Ngô Thành Nam
GV Trường Quốc tế Singapore
Hiệu trưởng như nhạc trưởng
SB: 624
III
3
Phan Thị Minh Thi
TH An Phước,
Củ Chi
Không phải lúc…
SB: 628
II
4
Vũ Thị Bích Thủy
GV GDCD THPT
Bùi Thị Xuân
Người lớn phải…
SB: 631
KK
5
Trung Nghĩa
(Phạm Thị Bích Châu)
THCS Phan Sào Nam – Q.3
Cùng hát quốc ca
SB: 633
KK
6
Trần Thị Kim Chi
TH Lê Văn Thế –
Củ Chi
Cần phát huy…
SB: 636
KK
7
Lê Thị Thanh Trang
TH Kim Đồng –
Gò Vấp
Cô hiệu trưởng nên…
SB: 637
KK
8
Nguyễn Thanh Dũng
THCS Phước Lý,
Cần Giuộc, Long An
Lá thư lạ, bài học hay
SB: 638
KK
9
Trần Thị Tuyết Mai
TH Kim Đồng –
Gò Vấp
Biết nhận ra…
SB: 639
I
10
Nguyễn Thị Hồng Mai
TH Lê Hoàn – Gò Vấp
Biết nhận ra cái sai…
SB: 639
KK
11
Hoàng Minh Đức
THCS Quảng Minh, Quảng Trạch,
Quảng Bình
Lời nói phải…
SB: 652
KK
12
Trần Thị Thanh Tuyền
TH Kim Đồng –
Gò Vấp
Hiệu trưởng cần…
SB: 660
KK
13
Lê Trung Phương
Ban Thanh Thiếu nhi Trường học Tỉnh đoàn Kon Tum
Làm gương
SB: 699
KK
14
Ngọc Nghĩa
Trường Tiểu học Quảng Minh B, Quảng Trạch, Quảng Bình
Mỗi thầy cô giáo…
SB: 706
KK
15
Trần Ngọc Thành
SV Trường ĐH Hoa Sen
Phải biết thừa nhận…
SB: 724
KK
 
Ban tổ chức kính mời bạn đọc đoạt giải, thầy cô, Ban giám hiệu nhà trường đến nhận giải vào lúc 8 giờ 30 ngày 29-10-2009 tại Nhà hát thành phố.