Thứ bảy, 31/12/2011, 09h12

Cuối năm, “đạo chích” hoành hành sinh viên

“Đạo chích” lợi dụng không khóa cửa để đột nhập phòng trọ

Những ngày cuối năm, “đạo chích” thường xuyên viếng thăm các dãy trọ của sinh viên. Điều này khiến không ít bạn phải dở khóc dở cười trước khi chuẩn bị về quê đón Tết. 
Liên tục xảy ra mất cắp
Tại dãy nhà trọ 200/14/20 đường Dương Đình Hội (Q.9) chỉ trong một tuần đã có 2 vụ mất cắp xảy ra. Nặng nhất là phòng của Nguyễn Thị Hoa (sinh viên Trường CĐ Công thương) mất chiếc laptop Acer và gần 2 triệu đồng tiền mặt gia đình vừa gửi lên. Hoa cho biết: “Khoảng 5 giờ chiều ngày 27-12, người bạn chung phòng ra ngoài mua đồ, tôi vào nhà tắm chỉ khép cửa, không đầy 2 phút trở ra thì chiếc bóp trên bàn và máy tính đã bốc hơi”. Trước đó, sáng ngày 20-12, dãy trọ của Tùng Lâm (ĐH KHXH&NV TP.HCM) nhốn nháo cả lên. Hỏi ra mới biết cô bạn cùng phòng của Lâm ngủ dậy thấy toàn bộ quần áo mới giặt chiều qua chưa kịp mang vào đã không cánh mà bay. Không những thế, chiếc xô đựng nước, thau, để ngoài khu vực sinh hoạt chung cũng mất dạng. “Dù đó chỉ là những đồ lặt vặt để sinh hoạt nhưng cuối năm rồi, chuẩn bị về quê, tiền đâu mà sắm lại đồ đã mất. Đúng là khóc không được mà cười cũng không xong” - Lâm chia sẻ. Thế nhưng, xem ra phòng của Lâm còn may bởi dù sao cũng chỉ là những đồ lặt vặt, chứ hầu hết sinh viên trong những ngày này đều bị kẻ trộm viếng thăm, lấy máy tính, điện thoại, xe và tiền mặt. Điều đặc biệt, “đạo chích” rất táo tợn bởi sau khi thực hiện trót lọt các vụ cắp, còn để lại “đồ nghề” là một chiếc móc quần áo được bẻ cong dùng để “khều” giỏ laptop, cùng với chiếc gậy có gắn móc để móc điện thoại qua cửa sổ. Thậm chí có vụ khi trộm được ba lô của sinh viên, thấy không có gì giá trị, lại lấy luôn chiếc ba lô dùng để đựng đồ vừa “tẩu” được ở nơi khác, khiến nhiều người đi đường không thể phát hiện?!?
Tự đề phòng cho mình là tốt nhất
Để thực hiện các vụ trộm trót lọt, “đạo chích” thường chuẩn bị rất chu đáo. Trước hết là thăm dò giờ giấc đi làm, sinh hoạt của chủ nhà, sau đó, chúng ăn mặc bảnh bao, đi xe đời mới và chia thành tốp ngồi tại các quán cà phê, quán ăn để nghe ngóng rồi đợi cơ hội ra tay. “Sau những vụ mất trộm liên tục, mọi người trong dãy trọ cảnh giác đi đâu cũng khóa cửa sổ, cửa nhà, thay ổ khóa mới. “Mất bò mới lo làm chuồng”, song như thế còn hơn là để xảy ra một lần nữa” - Hiếu - ĐH Sư phạm kỹ thuật cho biết.  
Tại trụ sở Công an phường Phước Long B (Q.9), nhiều đối tượng trộm cướp cũng đã bị bắt giữ và xử lý. Qua điều tra, được biết đối tượng thường sử dụng mánh khóe dùng “cần câu” lợi dụng các phòng trọ mở cửa sổ rồi câu điện thoại, chìa khóa ra ngoài. Thời gian chúng thực hiện thường xuyên nhất là vào tầm 5, 6 giờ chiều, lúc các bạn sinh viên mất cảnh giác vì sinh hoạt, đi chợ nấu cơm. Một số táo tợn hơn dùng cưa cắt khóa vào ban đêm. Một hình thức khác, chúng lượn lờ các phòng trọ của sinh viên, như tìm người quen, tìm phòng, lợi dụng sơ hở là đột nhập để trộm. Một cán bộ Công an phường Phước Long B cho biết: “Dù trong thời gian qua, lực lượng cũng đã đẩy mạnh công tác tuần tra, truy bắt được nhiều đối tượng trộm cướp, nhưng tình hình an ninh vẫn còn phức tạp, nhất là những tháng cuối năm, bọn tội phạm hoạt động rất mạnh vì thế người dân cũng phải cảnh giác, không để cho kẻ xấu có cơ hội. Khi phát hiện lập tức tri hô đuổi bắt, gọi nhanh cho công an phường gần nhất với số điện thoại có dán sẵn ở các dãy phòng”. Để an ninh được tốt, hiện các dãy nhà trọ trên địa bàn quận 9 đều được gắn biển công an phường và số điện thoại ở dưới, nhằm khi có “đạo chích” viếng là gọi ngay. Thế nhưng, cảnh giác là điều không thừa, nhất là với những bạn sinh viên, hãy tự lo cho mình trước để bảo vệ tài sản mồ hôi nước mắt mà cha mẹ đã mua cho mình dùng trong việc học.
Bài, ảnh: Nguyên Hải