Thứ hai, 19/1/2009, 08h01

Cuối năm: Móc túi lộng hành trên xe buýt

Bọn “móc tặc” thường lợi dụng lúc đông người, chen lấn để ra tay móc túi. (Ảnh chụp trên một chuyến xe buýt số 07)

Những ngày gần đây, tình trạng người dân bị móc túi khi đi xe buýt số 07 chạy tuyến TX.Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Suối Tiên (Q.9, TP.HCM) xảy ra như cơm bữa. Trước tình hình trên, lãnh đạo Công ty cổ phần Vận tải Bình Dương đã gửi công văn báo cáo với Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm về trật tự xã hội (PC14), Công an tỉnh Bình Dương để nhờ đơn vị này can thiệp.
Hành khách bất an
Vào những ngày lễ và cuối tuần có đông người đón xe buýt đi chơi là thời điểm bọn “móc tặc” hoành hành dữ nhất. Chúng trà trộn vào đám đông, lợi dụng sự lộn xộn và sơ hở của mọi người để ra tay móc túi. Nhiều người vừa bước xuống xe thì bật khóc khi phát hiện mình vừa bị mất ví tiền, điện thoại di động… Ngày Tết dương lịch vừa qua, nhóm bạn ba người Thanh, Thủy, Hà hiện đang làm công nhân trong Công ty Giày Thái Bình đón xe buýt số 07 đi Suối Tiên chơi. Khi cả ba lên xe thì xe đã chật kín người. Trong lúc xô đẩy, Thủy phát hiện một bàn tay chạm nhẹ vào túi quần sau của mình. Khi kiểm tra lại thì cô phát hiện chiếc ví tiền đã biến mất. Cô la lớn lên để tìm người giúp đỡ nhưng cả xe đông nghịt ai nấy đều im lặng. Lát sau khi ghé trạm ngã ba Đại học Nông lâm thì có ba thanh niên xuống xe. Chạy tiếp được một chút thì tài xế mới dám lên tiếng: “Bọn móc túi đấy”. Ba chị Thanh, Thủy, Hà chỉ còn biết đón xe quay ngược trở về chứ không còn tâm trạng đâu để đi chơi nữa. Riêng chị Thủy thì cứ ngồi cả ngày trong phòng trọ khóc rấm rứt vì đã mất một số tiền lớn dành dụm cắt củm gần nửa năm.
Đi trên tuyến xe buýt TX.Thủ Dầu Một - Suối Tiên này, nhiều sinh viên lúc nào cũng có cảm giác lo sợ bị móc túi và luôn trong tâm trạng cảnh giác cao độ. Nguyễn Công Thiện, sinh viên năm 3 Trường Đại học Nông lâm cho biết: “Nghe mấy đứa bạn nói trên tuyến đó móc túi ghê lắm nên em rất cẩn thận. Trước khi lên xe em mang hết những thứ giá trị cất kỹ trong túi xách. Mình cứ ôm túi xách bên mình thì kẻ cắp có tài mấy cũng không thể lấy được”. Nhưng không phải sinh viên nào cũng đề phòng cẩn thận như Thiện. Nhiều người vì sơ hở nên đã bị mất cả tiền đóng học phí rồi dẫn đến nợ nần. Trần Thị Tuyết Tr., sinh viên khoa Kinh tế Trường Đại học Nông lâm nói giọng buồn thiu: “Cách đây một tuần tôi đón xe buýt từ Thủ Dầu Một về trường học. Do mệt quá nên chợp mắt một lát. Ai ngờ lúc xuống xe mới biết bị mất ví tiền để trong giỏ xách. Mấy hôm nay phải đi mượn bạn bè mỗi người một ít để đóng học phí ngoại ngữ chứ cũng không dám xin ba mẹ”.
Vác mã tấu đòi chém tài xế
Có ông chuyên gia người Đài Loan làm việc trong khu công nghiệp Sóng Thần một lần đi xe buýt thì bị mất chiếc điện thoại trị giá cả chục triệu đồng. Do không biết tiếng Việt nên ông này ú ớ phản ánh với tiếp viên soát vé. Hiểu chuyện nên cô tiếp viên này đưa điện thoại di động của mình để ông nhá máy qua. Khi chuông điện thoại vừa reo lên thì tên trộm đã nhanh tay thả chiếc điện thoại ra ngoài để “bỏ của chạy lấy người”. Ông Trần Văn Trọng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp Công ty cổ phần Vận tải Bình Dương kể.
Các tài xế chạy xe buýt số 07 đều quen mặt bọn móc túi nhưng không ai dám lên tiếng vì sợ bọn chúng trả thù. Nhiều lần thấy bọn móc túi quá lộng hành, tài xế nói lớn “coi chừng móc túi nghe bà con” để cảnh giác hành khách thì lập tức ngay sau đó bọn này vác mã tấu đến hăm dọa. Có người còn bị gí dao vào hông với lời “dặn dò”: “Mày là thằng mới nên chắc chưa biết tụi tao. Sau này mà hớ một tiếng nữa là chết với tao”. Ông Trần Văn Trọng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp Công ty cổ phần Vận tải Bình Dương cho biết: “Chiêu của bọn móc túi là lợi dụng lúc trên xe đông người, mọi người chen lấn nhau để ra tay móc túi. Tình trạng này diễn ra khá thường xuyên trên tuyến xe buýt Thủ Dầu Một - Suối Tiên vào dịp cuối tuần và những ngày lễ. Tháng 6-2008 vừa qua, khi nghe nhiều tài xế phản ánh nạn móc túi lộng hành trên xe buýt và bọn chúng có hành động đe dọa tài xế thì chúng tôi đã báo cáo vụ việc lên công an huyện Dĩ An (Bình Dương). Đến tháng 8-2008 thì có một nhóm móc túi đã bị bắt. Nhưng thời gian gần đây lại xuất hiện một nhóm khác. Chúng tôi đã làm văn bản gửi lên PC 14, Công an tỉnh Bình Dương để nhờ can thiệp”.
Để cảnh báo hành khách, trên cửa của tất cả các chiếc xe buýt số 07 đều có ghi “coi chừng móc túi”. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ “đô” để ngăn chặn nạn móc túi. Anh N.V.Cảnh, một tiếp viên ái ngại nói: “Từng chứng kiến cảnh nhiều người bị mất tài sản ngồi than khóc rất tội nghiệp, chúng tôi cũng muốn lên tiếng để người dân đề phòng nhưng lại sợ bị bọn chúng trả thù. Mình còn phải nuôi gia đình, hiện giờ lại đơn độc không ai bảo vệ nên lỡ nằm xuống thì tính sao đây”. Theo anh Cảnh, bọn móc túi thường đi từ 4 đến 6 tên để diễn cảnh xô đẩy rồi áp sát hành khách móc túi. “Ăn hàng” xong là bọn chúng chuyền qua chuyền lại cho nhau nên không ai phát hiện được.
HỮU TRÍ