Thứ năm, 8/12/2016, 20h42

Cuối năm, ngay ngáy lo thực phẩm bẩn

354.000 cơ sở, chế biến và kinh doanh thực phẩm được kiểm tra, trong đó có đến gần 60.000 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là thông tin được Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM cung cấp.

Dầu ăn hàng xá bán tại một cửa hàng tạp hóa. Ảnh: T.Anh

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên môn, con số này chỉ là phần nổi của một địa phương có sức tiêu thụ mạnh về thực phẩm. Đáng nói, phần chìm là những cơ sở, hộ cá thể sản xuất và chế biến thực phẩm chui, không có giấy phép đăng ký kinh doanh tại các quận, huyện ngoại thành mà cơ quan chức năng chưa có điều kiện “sờ gáy”.

Bữa ăn đầy hóa chất

Thực phẩm bẩn đang là mối lo ngại của người dân, càng trở nên phức tạp hơn vào mỗi dịp cuối năm. Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM thông tin: Vi phạm chủ yếu của các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm là môi trường nơi chế biến, bảo quản thực phẩm không an toàn, cống rãnh ứ đọng nước, không có trang bị phù hợp cho lao động, sử dụng phụ gia, hóa chất vượt mức cho phép…

Theo đánh giá của đơn vị này, hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh mặt hàng thực phẩm ngày càng tinh vi, phức tạp. Ngoài các lỗi vi phạm thông thường nói trên, các cơ sở còn làm giả các loại giấy tờ như giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng giấy kiểm nghiệm giả, giấy cũ tẩy xóa…

Cứ vào dịp cuối năm, người tiêu dùng không khỏi lo ngại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tuồn vào TP.HCM tiêu thụ. Theo ban quản lý các chợ, thông thường thời điểm này các loại thực phẩm về chợ với số lượng lớn gấp đôi, gấp ba lần bình thường là thịt động vật dùng làm giò chả, khô các loại. Đây là nguồn thực phẩm khó kiểm soát từ nguồn nguyên liệu, chế biến đến tiêu thụ.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM cho biết, thời gian qua, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện nhiều cơ sở chế biến và kinh doanh không đảm bảo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, hành vi sử dụng thịt bẩn, thối xử lý bằng hóa chất, chất tạo màu, tạo mùi để “hô biến” thành đặc sản. Ngoài ra, một số cơ sở còn dùng thịt heo “lên đời” thành thịt bò để bỏ mối quán ăn, làm khô bò bán vào dịp Tết. “Để có được nguồn thực phẩm này, các cơ sở đã sử dụng một lượng lớn hóa chất, chất phụ gia không rõ nguồn gốc, là nguyên nhân gây bệnh về sau”, ông Hòa khẳng định.

Ngoài thực phẩm chế biến, các loại dầu ăn, nước chấm, gia vị hàng xá không nguồn gốc cũng có mặt trên kệ từ chợ đến cửa hàng tạp hóa từ nội đến ngoại thành.

Hàng xá vào bếp

Ghi nhận tại các đại lý, tiệm tạp hóa đến các chợ, gia vị và nước chấm hàng xá được bán chạy nhất so với các loại có bao bì, nhãn mác, đặc biệt là các loại nước chấm như tương ớt, nước tương, hạt nêm, bột ngọt… Người bán chỉ biết hàng được cung cấp bởi đại lý chợ Bình Tây, còn nguồn gốc ở đâu thì chịu. Về giá cả hàng xá rẻ hơn nhiều so với hàng có nhãn mác, đây cũng là lý do mà người tiêu dùng bất chấp nguồn gốc. Theo đó, các loại dầu ăn, nước chấm… chứa trong can 20-30 lít. Ngoài ra hạt nêm, bột ngọt, gia vị lẩu, ướp nướng… các loại cũng có giá thấp hơn 1/3, thậm chí 1/2 so với hàng có bao bì. Người bán cho biết, người kinh doanh quán ăn chọn mua hàng xá với số lượng lớn mới có lãi cao. “Thông thường, nấu nồi nước lèo hủ tiếu phải cần vài ký xương ống, nay mua chừng 1-2kg xương và sử dụng bột nêm hàng xá là đủ ngọt”, một người bán hủ tiếu ở chợ Nguyễn Tri Phương nói.

Không chỉ có hàng quán bình dân vỉa hè mới sử dụng tương ớt, nước mắm, nước tương, giấm hàng xá mà cả những quán ăn máy lạnh, nhà hàng chay cũng lựa chọn. Tìm đỏ mắt cũng không hề có một dòng thông tin nào liên quan đến công thức cũng như nhà sản xuất, chế biến. Một số nơi sử dụng vỏ chai của nhà sản xuất này nhưng trong ruột lại là hàng xá trôi nổi.

Thưởng 100 triệu đồng khi tố giác thực phẩm bẩn

Ngày 8-12, Báo Người tiêu dùng và Công ty Truyền thông sự kiện 360 đã tổ chức lễ phát động chiến dịch: “Thực phẩm sạch - Sức khỏe Việt”. Chiến dịch nhằm tuyên truyền, khuyến cáo người dân về mối nguy hại của thực phẩm độc hại, đồng thời tôn vinh những cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Song song đó, cũng kêu gọi người dân tố giác những cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân buôn bán, tiêu thụ thực phẩm độc hại qua đường dây nóng: 0904.405.666; những phản ánh đúng sẽ được thưởng “nóng” từ 20 triệu đến 100 triệu đồng.

Đặc biệt, chiến dịch kêu gọi tất cả mọi người hãy đồng lòng thực hiện 5 không (không sản xuất, không buôn bán, không tiêu thụ, không bao che và không im lặng) với thực phẩm độc hại để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo thống kê của ngành y tế, cứ mỗi năm nước ta có 150.000 người mắc bệnh ung thư, 75.000 người chết vì ung thư.

H.Tr

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi lít nước tương hàng xá chỉ có giá 7.000 đồng/ lít trở lên, nếu mua can từ 10 lít thì chỉ có giá từ 5.500 đồng/ lít đến 6.000 đồng/ lít. Trong khi đó, mỗi chai nước tương 0,5 lít có nhãn mác đã mất gần 20.000 đồng, chưa kể sản phẩm có thương hiệu. Chính vì một lít nước tương rẻ hơn một bó rau muống mà không ít người đặt vấn đề, nó có phải được làm từ hương liệu?

Anh Nguyễn Minh Trường, bán tạp hóa tại ấp 3, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè thừa nhận, các loại nước chấm, dầu ăn có nhãn mác gần đây bán rất chậm, ngược lại hàng xá lại đắt như tôm tươi. “Quanh đây phần lớn là người lao động nhập cư, hàng xá là lựa chọn để giảm tối đa chi tiêu trước mắt, còn về an toàn sức khỏe thì họ chưa nghĩ tới”, anh Trường nói.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Mai (Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện An Bình) khuyến cáo, người dân không nên sử dụng các loại hàng xá, đặc biệt là các loại nước chấm siêu rẻ đang bày bán tràn lan. Đây là những thực phẩm không đủ điều kiện về nguồn nguyên liệu, quá trình chế biến, bảo quản và vận chuyển, ăn vào có nguy cơ ngộ độc cao.

Trần Anh