Thứ năm, 1/2/2018, 21h58

“Cứu” hoa Tết nở sớm

Ảnh hưởng của những cơn mưa trái mùa trong thời gian cuối năm khiến hoa cúc mâm xôi ở Chợ Lách (Bến Tre) và hoa mai ở TP.HCM nở sớm, làm cho nhiều nhà vườn đang lo mất Tết. Cách nào “cứu” hoa để giảm thiệt hại trong thu hoạch mùa Tết đang là vấn đề nhiều nhà vườn quan tâm.

Nhà vườn được khuyến cáo sử dụng chất điều hòa sinh trưởng làm trẻ hóa cây (GA3), nhằm giúp cúc mâm xôi kéo dài thời gian chờ Tết

Cúc mâm xôi: Chăm sóc kéo dài thời gian nở hoa

Còn khoảng hơn 2 tuần nữa mới tới Tết Nguyên Đán, nhưng khoảng 300 ngàn chậu hoa cúc mâm xôi ở thủ phủ hoa cúc Chợ Lách (Bến Tre) đang thi nhau nở vàng. Nguyên nhân phần nhiều do ảnh hưởng của những cơn mưa trái mùa và khi nhiệt độ xuống thấp trong thời điểm “đón” bão vào trung tuần tháng 12. Là một trong số những hộ dân chuyên canh tác cúc mâm xôi bán Tết, bà Nguyễn Thị Thanh (xã Long Thới, huyện Chợ Lách) cho biết, số lượng cúc mâm xôi trong vườn chờ bán Tết đã nở gần 80% (tương đương khoảng 2.000 chậu hoa). Vì hoa nở nhiều, nên bà Thanh và một số hộ dân buộc phải “bán lúa non” với giá mềm hơn 20% so với hàng Tết. Tương tự, cúc mâm xôi trong vườn của nhà ông Nguyễn Văn Năm cũng đã nở khoảng 40%, nên mấy ngày nay phải cật lực xịt thuốc để kiềm lại độ phát triển của hoa.

Tình trạng cúc mâm xôi nở sớm không chỉ gây thiệt hại cho người trồng, mà các thương lái cũng “dè chừng” vì lo độ rủi ro cao. Theo kinh nghiệm của bà Trịnh Thị Oanh (chủ tiệm bán hoa chậu trên đường Thành Thái, quận 10), hoa cúc mâm xôi được chuyển từ nhà vườn ở Chợ Lách lên thành phố để chờ bán Tết phải đảm bảo hoa ở mức độ vừa nở, hoặc nụ hoa mới chớm nở nhằm đáp ứng được độ tươi tắn cho khách mua chưng Tết. Tuy nhiên, năm nay do hoa nở sớm nên bà Oanh không dám đặt mua hoa cúc mâm xôi bán Tết như mọi năm vì không an tâm về độ bền của hoa. Trong khi nhiều chủ tiệm chuyên bán hoa chậu ngần ngại, thì anh Đặng Minh Dũng (chủ tiệm hoa kiểng ở đường Song Hành, quận 12) đang ráo riết tìm nơi “gả bán” khoảng 100 chậu cúc mâm xôi với giá ưu đãi cho những đơn vị có nhu cầu chưng hoa Tết sớm ở cơ quan, vì đã lỡ đặt cọc từ trước.

Nhằm góp phần “giải cứu” hoa cúc mâm xôi trên địa bàn huyện Chợ Lách do ảnh hưởng của thời tiết và mưa trái mùa, Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm (Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách) khuyến cáo người dân nên sử dụng các loại phân có nhiều dinh dưỡng (phân đạm và phân lân) để kéo dài thời gian nở hoa của những chậu đã nở sớm. Vì cúc mâm xôi khó có thể phát triển bình thường trong điều kiện ẩm ướt hoặc nhiệt độ thấp, nên nhà vườn cần nâng giàn hoa lên cao để giảm bớt ẩm ướt cho rễ cây, đồng thời cần tưới thường xuyên bằng nước sạch để đào thải các bào tử bệnh khỏi thân cây. Bên cạnh đó, nhà vườn cần phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ các loại bệnh trên hoa, kết hợp thêm chất điều hòa sinh trưởng làm trẻ hóa cây (GA3), nhằm giúp cây trở lại nhịp sinh trưởng bình thường để chờ Tết.

Hoa mai: Che gốc và rửa trôi nước mưa

Tương tự như tình trạng “hoa cười, người khóc” của những nhà vườn trồng hoa cúc mâm xôi, người dân trồng mai ở miền Tây, Đồng Nai, hoặc hoa mai Tết ở quận 9, quận 12, Bình Tân cũng đang lo lắng vì mai nở sớm. Với dự kiến sẽ cung cấp cho thị trường hoa Tết khoảng 800 gốc mai, anh Nguyễn Tấn Tài, chủ vườn mai ở phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) đang rất bối rối vì nhiều gốc mai đã nở hoa vàng rực. Mai trong vườn của anh Tài dự tính sẽ được bán với giá từ 2 triệu đến vài chục triệu đồng, thậm chí có cây giá 100-200 triệu đồng/cây, tùy vào chủng loại mai nguyên thủy hay mai ghép, lớn hoặc nhỏ. Bên cạnh sản phẩm khách mua trực tiếp, nhà vườn còn có nhiều đơn đặt hàng thuê mai chưng Tết từ các nhà hàng, khách sạn hoặc công ty, với giá từ 25-30 triệu/cây (đối với cây có giá trị thực tế khoảng 70 triệu đồng). Do đó, tình trạng mai nở sớm trước Tết sẽ gây thiệt hại đáng kể cho các nhà vườn.

Trước mắt, để đề phòng những cơn mưa trái mùa trong những ngày sắp tới, một số nhà vườn đã tranh thủ vận chuyển cây mai đến các đơn vị thuê mai chưng Tết sớm hơn so với kỳ hẹn. Tiêu biểu như ở tòa nhà Yoco (41 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1), mấy ngày nay đã thấy xuất hiện ở sảnh chính một cây mai cổ thụ cao khoảng 3 mét, chi chít nụ nhỏ ở tất cả các cành. Cũng tất bật như các chủ vườn khác trong việc “cứu” mai, bà Nguyễn Kim Loan (quận Bình Tân) đang chăm chút cho vườn mai đã có khoảng 50% cây nở sớm bằng cách tăng cường ngắt bỏ những bông hoa đã nở to để cây không mất sức, nhưng đối với những nụ mai đang lớn rất nhanh thì chưa biết phải xử lý ra sao.

Theo khuyến cáo của Tiến sĩ Đinh Văn Đức (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vài năm gần đây do thời tiết thay đổi, ở nhiều địa phương thường xuất hiện những cơn mưa trái mùa trong 1-2 tháng trước Tết. Do đó, để hãm độ nở của hoa mai do ảnh hưởng của mưa trái mùa, nhà vườn cần chủ động tránh tưới phân đạm từ đầu tháng 10. Vì những cơn mưa trái mùa thường tích tụ nhiều chất đạm kích thích cây nở hoa sớm. Do đó, để an toàn cho những cây mai chưa nở trong thời gian chờ bán dịp Tết, nhà vườn cần ngăn nước mưa tiếp xúc với cây bằng cách di chuyển chậu cây vào nơi râm mát. Bên cạnh đó, cần tưới thêm phân bón lá 30-10-10 hoặc 5-0-2 và phân lạnh (phân Ure) với tỷ lệ 10-20gram/10 lít nước. Ngoài ra, người trồng cần tưới cây bằng nước lạnh (có thể cho đá lạnh vào nước) hoặc lấy vải đen bao trùm cây mai. Trong trường hợp trời mưa bất chợt mà không có mái che, thì có thể sử dụng bao nilon để che gốc nhằm ngăn nước mưa thấm vào gốc, hoặc cần tưới thêm nước lạnh để rửa trôi nếu cây lỡ bị nước mưa thấm ướt.

Bài, ảnh: Vũ Phương