Thứ ba, 7/2/2017, 21h22

Đa dạng phương thức xét tuyển

Vừa qua, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã đến với Trường THPT Gia Định (TP.HCM). Tại đây, khá nhiều học sinh quan tâm đến phương thức xét tuyển cũng như thời gian làm bài thi.

Học sinh Trường THPT Gia Định đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

Rút ngắn thời gian thi

Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM) với các em học sinh tại chương trình. Ông Nghĩa cho biết: Theo dự thảo quy chế thi THPT quốc gia, kỳ thi diễn ra trong 2 ngày, trong khi trước đó là 4 ngày nên thời gian các môn thi rút ngắn nhiều. Cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có 5 bài thi, trong đó chỉ trừ bài thi ngữ văn là tự luận, còn lại đều thi trắc nghiệm. Theo đó, 3 bài thi bắt buộc gồm ngữ văn 120 phút, toán 90 phút (50 câu), ngoại ngữ 60 phút (50 câu); các bài thi tổng hợp KHTN (lý, hóa, sinh) và KHXH (sử, địa, giáo dục công dân), thí sinh sẽ làm 150 phút/bài thi (mỗi môn 50 phút, 40 câu).

Ngoài thời gian thi, nhiều học sinh muốn biết thêm thông tin xét tuyển thẳng của các trường. Em Hồ Lê Minh Quang (lớp 12D1) hỏi: “Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có xét tuyển thẳng không? Nếu xét tuyển thẳng thì em cần điều kiện gì?”. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đương (Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết: “Hàng năm, trường có chỉ tiêu tuyển thẳng những sinh viên có hộ khẩu vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc ít người. Sau dự bị 1 năm, căn cứ vào kết quả học tập, trường sẽ xét cho các em học chuyên ngành. Ngoài ra, trường có xét tuyển thẳng các học sinh giỏi quốc gia môn toán, lý, hóa, ngữ văn, ngoại ngữ nhưng số lượng này rất hạn chế”.

ĐH Luật TP.HCM dự kiến thay đổi điểm thành phần

Năm 2016, Trường ĐH Luật TP.HCM xét tuyển theo 3 tiêu chí là điểm thi THPT quốc gia, điểm học bạ và điểm bài kiểm tra năng lực do trường tổ chức. Năm nay, với sự thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, phương thức xét tuyển của trường liệu có thay đổi? Đây là băn khoăn của nhiều học sinh trường Gia Định. “Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều điểm mới, vậy tiêu chí xét tuyển vào Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ thay đổi như thế nào?”, một học sinh hỏi. Ông Lê Văn Hiển (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết: “Đến thời điểm này, phương thức tuyển sinh chỉ có trường chúng tôi thực hiện thêm kiểm tra năng lực. Năm 2016, ĐHQG Hà Nội có tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển nhưng năm nay không thực hiện nữa, còn ĐHQG TP.HCM mới chỉ nằm trong dự kiến”.

Tiếp tục thực hiện kiểm tra năng lực nhưng năm 2017 trường dự kiến sẽ thay đổi điểm thành phần trong các tiêu chí xét tuyển. Ông Hiển chia sẻ: “Chúng tôi dự kiến xét điểm học bạ 10% (năm ngoái 20%), điểm THPT quốc gia 50% (năm ngoái 60%) và điểm đánh giá năng lực 40% (năm ngoái 20%)”. Ngoài ra, ông Hiển lưu ý thêm, phương thức tuyển sinh của trường khác hẳn những trường khác, đăng ký xét tuyển không giống như lịch thông báo chung của Bộ GD-ĐT. Chẳng hạn, năm 2016, Bộ GD-ĐT thông báo nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 1-8 nhưng trường nhận từ ngày 20 đến 22-7.

Tương tự, Trường ĐH FPT cũng có 3 phương án tuyển sinh. “Năm nay trường tiếp tục có 3 phương thức tuyển sinh, đó là xét tuyển học bạ, xét điểm thi THPT quốc gia và thi kỳ thi riêng do nhà trường tổ chức. Dự kiến, kỳ thi riêng sẽ tổ chức ngày 14-5 và công bố kết quả sau 10 ngày”, bà Nguyễn Phương Thảo (đại diện Trường ĐH FPT) cho biết.

Một học sinh lớp 12A8 phân vân: “Tiếng Anh của em không tốt, liệu có ảnh hưởng đến việc xét tuyển vào Trường ĐH Y dược TP.HCM không?”. Ông Nguyễn Quang Vinh (đại diện Trường ĐH Y dược TP.HCM) cho hay: “Trường chúng tôi xét tuyển dựa theo điểm kỳ thi THPT quốc gia, theo đó, trường dự kiến xét tuyển các môn toán, hóa, sinh. Về tiêu chí phụ, trường đang nghiên cứu: thứ nhất, tiêu chí 1 là môn sinh, tiêu chí 2 là môn hóa; thứ hai, tiêu chí 1 là môn sinh, tiêu chí 2 là tiếng Anh.

Bài, ảnh: Minh Châu