Thứ hai, 3/11/2008, 09h54

Đà Nẵng: Trường nghề khóc vì vắng… học viên

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Tại Đà Nẵng và Quảng Nam hiện đang xảy ra tình trạng các trường nghề tuyển không đủ học viên. Chuyện trớ trêu này không phải một, hai trường gặp phải. Hiện ở Đà Nẵng, có rất nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Theo GS.TSKH Bùi Văn Ga - Giám đốc Đại học Đà Nẵng, chủ trương xã hội hóa hoạt động giáo dục, đào tạo nghề cũng tạo điều kiện cho các trường cao đẳng, trường nghề công lập và dân lập mở ra quá nhiều, quá mức cần thiết với đủ kiểu đào tạo, liên thông lên CĐ, ĐH...

Hậu quả của việc ào ạt mở trường đã tạo nên những cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các trường với nhau, nhất là trường dân lập, để tìm kiếm đầu vào. Kết quả, nhiều trường không tuyển đủ học viên như chỉ tiêu đề ra. Thậm chí, lãnh đạo một số trường còn “nhanh nhạy” chuyển học viên đăng ký ngành này sang ngành khác cho đủ số để mà dạy, bỏ bê quyền lợi của học viên. TS. Bùi Văn Ga lấy ví dụ: “Hệ đào tạo nghề Trường Cao đẳng Công nghệ (thuộc Đại học Đà Nẵng) có ngành xin chỉ tiêu tuyển lên đến 400 học viên, nhưng chỉ có 7 hồ sơ đến nộp, đành phải bỏ không đào tạo.

Nói về nguyên nhân trường nghề thiếu học viên, TS. Ga tâm sự: “Trước hết, xuất phát từ chính tâm lý chung của xã hội là phải cho con vào được đại học. Cả học sinh và gia đình ai cũng muốn thi vào đại học mà không hề xem xét đến khả năng, trình độ của con em mình; đến nhu cầu của xã hội... Còn với các em học sinh, lại xem trường nghề là giải pháp tình thế miễn cưỡng, thậm chí học để đối phó với áp lực của phụ huynh. Trong khi đó, sau khi đã bỏ ra khoản cực lớn chi phí để mở trường, mở ngành nhưng thiếu giảng viên có trình độ nên chất lượng đào tạo ở các trường nghề đi xuống. Một khi việc học ở các trường nghề bị mất “thương hiệu” trong mắt học viên lẫn phụ huynh, nên khiến cho nhiều trường dù có chất lượng đào tạo ưu việt như Đại học Đà Nẵng cũng khó tìm ra học viên. Điều này cũng giải thích vì sao mỗi năm có hàng chục ngàn học viên tốt nghiệp từ các trường nghề song xã hội vẫn “thừa thầy, thiếu thợ”. Cũng theo TS. Ga chất lượng đào tạo nghề hiện nay của các trường đang có nhiều vấn đề rất đáng bàn. Nhiều trường nghề mở ra nhưng không định hướng nhu cầu thị trường, chỉ đào tạo cái mình có, ít tốn kém chi phí đầu tư như: kế toán, ngoại ngữ, tin học, văn thư lưu trữ... mà không hề mở hoặc đào tạo các ngành thị trường đang cần như: cơ khí, điện tử, viễn thông. Vì thế, người học chỉ được học cái xã hội không cần, học ra chẳng biết làm gì, học viên sau khi ra trường phải giẫm chân nhau trên số cơ hội việc làm ít ỏi.

“Không thể cứ để các trường nghề bùng phát một cách tràn lan mà thiếu sự quản lý chặt chẽ” – TS. Ga nói. Phải xây dựng cho được tầm nhìn quốc gia trong công tác quy hoạch, phát triển hệ thống đào tạo nghề. Theo đó, từng địa phương, từng khu vực sẽ định hình phát triển cơ sở đào tạo nghề hợp lý trên cơ sở phân luồng đầu vào của học sinh. Ngoài ra, cũng cần thay đổi quan niệm, tâm lý của xã hội về định hướng nghề nghiệp, cơ hội việc làm, thu nhập trên cơ sở năng lực mỗi cá nhân... Qua đó, sẽ góp phần giải quyết tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay.

NGUYỄN GIA THẠNH