Thứ bảy, 7/1/2017, 21h54

Đa số thí sinh sẽ chọn bài thi KHTN

Đại diện một trường THPT trao đổi ý kiến tại hội nghị

Nếu thi theo môn như trước, số lượng thí sinh đăng ký môn sinh sẽ tiếp tục “thảm”. Dưới dạng bài thi tổ hợp, khả năng hơn 70% thí sinh sẽ đăng ký chọn bài thi khoa học tự nhiên (KHTN).

TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM) đã chia sẻ thông tin dự đoán này tại Hội nghị hợp tác hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM với các trường THPT tổ chức ngày 6-1 (có 61 trường - Sở GD-ĐT tham dự).

Theo ông Nghĩa, một số thống kê cũng cho thấy việc thi theo bài có những tác động tích cực. Nếu thi theo môn như kiểu cũ thì khả năng môn sinh sẽ “chết”, ngày càng ít thí sinh đăng ký. Năm 2014, môn sinh có 30% thí sinh chọn; đến năm 2015 chỉ còn 28% và 2016 giảm rất mạnh, chỉ còn 17% (chỉ hơn môn sử). “Dưới dạng bài thi, chúng tôi dự báo số thí sinh đăng ký chọn bài thi KHTN sẽ chiếm tuyệt đại đa số. Hiện chưa dám nói chính xác nhưng con số này có lẽ không dưới 70%, khoảng 30% sẽ đăng ký thi bài KHXH. Vấn đề đặt ra là tổ chức các cụm, điểm thi như thế nào cho phù hợp. Đặc biệt, khâu bố trí phòng chờ cho khoảng 30% thí sinh tự do cần được các sở GD-ĐT tính toán vì các em sẽ thi các môn thành phần, không hẳn làm toàn bài tổ hợp”, ông Nghĩa cho biết.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa còn cho rằng, hiện các trường ĐH đều mong muốn kết quả thi THPT quốc gia đáng tin cậy để có thể xét tuyển. Vì thực tế, việc tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực là rất khó. Ông Nghĩa dẫn số liệu thống kê từ nguyên hiệu trưởng Trường ĐH FPT cho thấy điểm bình quân một môn thi của mỗi thí sinh trên cả nước là 4,71; điểm bình quân ba môn thi là 13,1. Hai năm nay, điểm sàn ĐH được quy định là 15 trong khi điểm bình quân của cả nước chỉ 13,1. Vậy năm 2017 nếu bỏ sàn ĐH, liệu có trường nào đặt ngưỡng xét tuyển là 15 điểm hay chỉ cần tốt nghiệp THPT?

“Việc giữ vững được độ tin cậy của kỳ thi THPT quốc gia là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vì từ kết quả thi đó các trường ĐH mới có cơ sở xét tuyển”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Vương Nhi (Trưởng ban Hướng nghiệp Trường THPT Nguyễn Trãi, Đồng Nai) đề cập, thành công của việc hướng nghiệp không chỉ phụ thuộc vào trách nhiệm của nhà trường mà còn từ gia đình và xã hội. Hiện có nhiều học sinh sau khi tìm thấy ngành nghề yêu thích thì phụ huynh lại không đồng thuận. Do đó, cần tăng cường công tác truyền thông để gia đình thực sự hiểu và đồng hành cùng con em trong vấn đề lựa chọn nghề nghiệp, tôn trọng lựa chọn của các em. “Phía trường THPT cũng mong muốn các trường ĐH thống kê số lượng thí sinh và điểm thi hằng năm của học sinh trường mình để qua đó có dữ liệu căn cứ đánh giá hiệu quả hoạt động hướng nghiệp”, bà Nhi nói.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Nhung (Hiệu trưởng Trường THPT Xuyên Mộc, Vũng Tàu) đặt vấn đề cần tăng cường tổ chức các đoàn cựu học sinh về trường phổ thông tư vấn hướng nghiệp cho lớp đàn em vì cách này sẽ truyền được cảm hứng cho học sinh.

Mê Tâm