Thứ tư, 31/8/2016, 21h20

Đàn guitar ông Thức vang danh đến trời tây

“Chỉ cần nắm quy định các chi tiết là có thể làm ra một cây đàn guitar. Nhưng để cây đàn có âm vang ổn định, trầm ấm, đi vào lòng người... ngoài chất liệu, kỹ thuật, kinh nghiệm đòi hỏi người thợ cần có đam mê, trách nhiệm”, ông Hoàng Thức, người hơn 50 năm gắn bó công việc chế tác đàn guitar ở đường Xóm Chiếu, quận 4, TP.HCM chia sẻ…

Kỹ tính nên ông thường tự tay xử lý gỗ, bào, vẽ, lên khung, đục, đẽo và trau chuốt tỉ mỉ từng chi tiết của đàn

Trong và ngoài nước đều biết

Với kinh nghiệm làm đàn lâu năm cộng với niềm đam mê nhạc cụ này, khi bắt tay vào làm ông rất kỹ tính ngay khâu chọn gỗ đến các công đoạn kỹ thuật. Tự tay xử lý gỗ, bào, vẽ, lên khung, đục, đẽo và trau chuốt tỉ mỉ từng chi tiết đầu, lược, phím, cần, lỗ thoát âm, chốt giữ dây, cầu ngựa... Khách hàng từ Bắc đến Nam, cả nước ngoài vì thế mà đánh giá cao sản phẩm ông làm ra. Nhạc sĩ Ngô Minh Khánh trong lần cùng bạn bè nhạc sĩ, nhạc công tề tựu tấu đàn tại nhà Hoàng Thức đã thốt lên: “Rất ngạc nhiên, không thua kém thương hiệu Taylor, Martin. 6 nốt của 6 dây vang đều nhau, không có nốt nào cao hơn nốt nào. Bàn phím mềm. Các chi tiết khảm xà cừ viền đàn, đầu đàn hết sức tinh xảo từng li. Rất đẹp”.

Chia sẻ đôi nét về quy trình trước khi làm khuôn, ông cho rằng cầu vành bên trong và gỗ phải được xử lý để tránh nứt, cong qua thời gian và thời tiết thay đổi. Mặt đàn bào nhẵn với độ dày vừa phải sau đó ráp khung rồi đến các chi tiết khác. Tùy kiểu dáng, loại gỗ khiến độ dày mỏng cấu trúc vành bên trong và độ dày mặt đàn tạo ra âm thanh chất lượng. Theo ông, giá trị cây đàn thể hiện ở chất liệu gỗ, hình dáng, đường nét bên ngoài. Đặc biệt thùng đàn phải làm chuẩn xác, khéo léo vì có tác dụng cộng hưởng, khuếch đại âm thanh. Khi gảy, mặt đàn không giật, không nốt chết, tạo ra âm vực rộng, lớn, ngân vang ổn định. Và mỗi thợ làm đàn sẽ dựa trên kinh nghiệm mà có cách riêng để tạo ra cây đàn hoàn hảo.

Đàn guitar của ông Thức làm có hai dạng. Dạng chỉ làm các bộ phận sau đó khách đặt hàng tự mang về lắp ráp, sơn, lên dây... để bán. Giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng từng bộ phận. Dạng khác là làm hoàn chỉnh. Khách đặt loại này là các bạn trẻ am hiểu về đàn, các nhạc sĩ, nhạc công gửi bản yêu cầu loại gỗ và bản các chi tiết. Vì thế giá cả mỗi cây lên đến hơn chục triệu, vài chục triệu đồng.

Như cây guitar thùng mà ông mới giao cho Viet Neo Tran sống tại TP.HCM, bạn trẻ này yêu cầu đầu đàn, cần đàn làm bằng gỗ đỏ. Bàn phím, ngựa đàn, lưng ngựa đàn làm bằng gỗ mun. Mặt sau và mặt bên dùng gỗ Ziricote có vân ảo, viền ngoài khảm trai. Thương hiệu bộ chỉnh là Gotoh, thương hiệu dây đàn Ernieball Aluminum Bronzen, khóa nhập... Giá cây này đến 18 triệu đồng, thuộc top Sitka AAA (xếp hạng gỗ cứng, nhẹ). Cũng chiếc guitar thùng của Nguyễn Phước Đức ở Đà Nẵng có giá 16 triệu đồng, top Sitka AAAA. Yêu cầu mặt trước và bên phải làm gỗ đỏ Ấn Độ. Đầu đàn, bàn phím, cần yên làm bằng gỗ mun... Hiện tại ông đang làm tiếp 2 cây thùng nhưng theo thương hiệu Martin cho khách từ Úc, và Mỹ. Không chỉ gửi bản yêu cầu chi tiết mà hai khách này còn gửi cả gỗ cẩm lai Brasil, Colombia và Mexico về. Giá ước tính không dưới 20 triệu đồng/cây.

Những ai đặt ông Thức làm từng bộ phận đàn sau đó tự lắp ráp thì phải chấp nhận hên xui về chất lượng âm thanh vì tùy  thuộc vào kỹ năng lên dây của người lắp ráp. Còn dạng hoàn chỉnh, khách hàng có thể trả lại nếu âm thanh không đạt. Thế nhưng suốt nhiều năm gắn bó công việc, ông chưa phải nhận đàn bị trả lại. Những khách có tiếng trong giới nghệ thuật từng đến đặt đàn ông làm như nhạc sĩ Lê Quang, Kim Tuấn, Lê Hựu Hà, Ngọc Lễ, Trịnh Công Sơn, nhạc công Tuấn Tisi..., có nhiều người còn quay lại lần hai, lần ba.

Nửa thế kỷ thổn thức với tiếng đàn

Ông Thức là thế hệ thứ ba trong dòng họ làm đàn. Trước giải phóng, ông nội, ba ông là thợ lành nghề ở Hải Dương. Sau giải phóng, ba ông chuyển nghề vào Tôn Đản, quận 4, TP.HCM phát triển nghề. Khoảng năm 1980 ba ông mất, ông là người nối nghiệp đến bây giờ. Có truyền thống nên ông đến với nghề như một lẽ tự nhiên. Năm lên 10, ông bắt đầu tập tành bào gỗ, vẽ, cắt đến lắp ráp, đánh bóng và tay nghề, kinh nghiệm cứ lớn dần. Một điều khá bất ngờ đó là ông chơi đàn không giỏi. Các kiến thức cơ bản về thanh nhạc do bố ông truyền đạt và một phần ông tự học qua sách vở. Song ông thừa nhận bản thân may mắn vì khả năng thẩm âm tốt, giúp ông lên dây, điều chỉnh các nốt nhạc một cách dễ dàng.

Nhiều cây đàn làm ra gắn với các kỷ niệm khác nhau được ông nâng niu, cất giữ. Những lúc rảnh, ông lại lấy ra lau chùi, gảy đàn

Kể từ sau khi nối nghiệp ba, ông chỉ tập trung làm đàn guitar thùng, guitar điện, guitar cổ điển. Trong các loại đàn ông làm, lượng khách đặt guitar thùng và điện luôn chiếm số đông so với cổ điển. Hai loại này sử dụng dây sắt, đệm hát, biểu diễn trên sân khấu rất nhiều, nói cách khác môi trường sử dụng rộng rãi. Còn loại cổ điển sử dụng dây nilon, dùng độc tấu các tác phẩm cổ điển, bác học, rất kén người chơi. Mỗi tháng, ông chỉ làm khoảng hai, có khi chỉ một nhạc cụ này.

Năm nay đã ngoài 60, nhưng ngày ngày ông vẫn đam mê từng chi tiết của đàn. Hỗ trợ ông còn có người anh trai. Đặc biệt cậu con trai Hoàng Quốc Tuấn đã tốt nghiệp Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM nhưng quyết định cất tấm bằng để ở nhà nối nghiệp cha. Với lợi thế giỏi công nghệ và tiếng Anh giúp Quốc Tuấn trao đổi thông tin tốt với khách nước ngoài, theo đó lượng khách này có nhu cầu đặt hàng ngày càng đông.

Tạo được danh tiếng khá lớn nhưng để tìm được nhà ông không dễ vì không bảng hiệu quảng cáo. Khách lần đầu tìm đến chỉ nhận ra nhờ tiếng máy cắt gỗ, tiếng bào đục xen lẫn âm thanh đứt đoạn trong quá trình chỉnh âm.

“Thỉnh thoảng trong căn nhà ông, nhiều ca khúc vang lên với tiếng đàn guitar trầm ấm lay động lòng người, khiến tôi rất nhớ quê. Đó là những lúc ông và bạn bè nhạc sĩ, nhạc công gặp gỡ hàn huyên, thưởng thức tiếng đàn” - bà Vũ Thị Thủy, người hàng xóm của ông thổ lộ.

Nguyễn Trinh