Thứ tư, 21/10/2015, 08h24

Dân phố sống… nhờ rừng!

Nuôi ong - một cách làm giàu của người dân khu phố Khe Lấp

Cái tên Khe Lấp nghe qua đủ gợi về mảnh đất một thuở hoang vu. Hơn 10 năm kể từ ngày có con đường thảm nhựa dẫn vào làng, đời sống của bà con nơi đây đã có nhiều khởi sắc, vơi đi nỗi xót xa của cư dân mang tiếng trực thuộc thành phố lại “lạc lõng” về phía gò đồi bạt ngàn cây dại, nơi bốn mùa người dân gắn với mảnh rừng, đàn gia súc, trang trại nuôi ong…

Chuyện lạ có thật

Dù thuộc thành phố Đông Hà nhưng khu phố Khe Lấp (phường 3, thành phố Đông Hà, Quảng Trị) nằm lọt thỏm giữa bốn bề gò đồi xanh ngút ngát, ít ai biết đến. Dân thành phố nhưng cuộc sống chủ yếu là… trồng rừng! Chuyện lạ có thật. Ông Nguyễn Văn Phượng, Bí thư Chi bộ khu phố Khe Lấp cho biết, những năm sau giải phóng, bà con tìm đến vùng gò đồi này để sinh cơ lập nghiệp, cùng với đó là các công nhân của Lâm trường Đường 9 đóng gần đó, sau giải thể họ cùng nhau ở lại rồi lập nên làng. “Khe Lấp hơn chục năm về trước hoang vu lắm, cuộc sống bộn bề khó khăn. Chỉ có gió Lào phần phật thổi là hiện hữu khắp nơi. Đa phần người dân bám trụ lại chốn này đều là công nhân lâm trường, sống quen với rừng thì gắn bó chứ nhiều người lên đây làm kinh tế mới, không chịu nổi vất vả cũng lần lượt bỏ về quê xứ”. Hiện Khe Lấp có 35 hộ dân, với 109 nhân khẩu. Trồng rừng là kế sinh nhai chủ yếu của người dân ở đây. Tầm chục năm trở lại đây, từ khi có chủ trương của Nhà nước về giao khoán đất rừng, người dân đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng. Toàn khu phố có khoảng 1.227 héc-ta rừng và đất rừng, trong đó có 37 héc-ta rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Diện tích rừng lớn trên địa bàn khu phố chủ yếu là của Công ty TNHHMTV Lâm nghiệp Đường 9 và chủ rừng HTX, số còn lại là của người dân khai hoang lập nghiệp từ những năm thập niên 80. “Có tiếng là khu phố nhưng do đất ở đây rộng nên từ nhà này sang nhà khác cũng cách một quãng đường khá xa. Có nhà diện tích vườn rộng tới 1 héc-ta. Dân phố nhưng không có nghề gì khác ngoài việc bám vào rừng mà sống. Nhà nhiều thì dăm bảy héc-ta, nhà ít vài ba héc-ta. Bình quân 1 héc-ta rừng trồng keo lai, cứ 6 năm cho khai thác thu về từ 40-60 triệu đồng, thấp nhất cũng lãi được 30 triệu đồng”, ông Phượng cho biết.

Làm giàu từ nuôi ong

Là công dân thành phố, nhưng người dân chủ yếu sống... nhờ rừng

Câu chuyện về đất về người ở Khe Lấp như kéo dài bất tận qua ký ức của người cựu công nhân Lâm trường Đường 9, Nguyễn Văn Phượng. Sống dựa vào rừng, người dân Khe Lấp còn biết khai thác lợi thế từ rừng bằng cách nuôi đàn ong lấy mật. “Tổng cộng người dân Khe Lấp nuôi khoảng 1.000 đàn ong”, ông Phượng bấm đốt ngón tay. Ở Khe Lấp, người được mệnh danh “vua ong” là ông Nguyễn Văn Tửu. Với hơn 400 đàn ong, thu nhập hàng năm khoảng gần 1 tỷ đồng lãi ròng. Chuyện làm giàu của ông Tửu cũng lắm gian truân. “Lúc đầu tui chỉ có trong tay 4 triệu đồng, ở cái đất ni phố không ra phố, quê chẳng ra quê, mần mãi không đủ ăn. Rứa là đành liều vay thêm ít vốn, đầu tư vài đàn ong. Rồi từ đó nhân dần lên. Được nhiều mà thất bại không ít, cũng có nhiều đêm trắng quay cuồng trong ý nghĩ nếu mình thất bại… rồi không dám nghĩ tiếp, cứ cắm cúi làm, tìm tòi phương pháp chăm ong…”, ông Tửu bộc bạch. Để đàn ong cho mật thường xuyên, mỗi năm cứ 6 tháng ròng rã, ông rong ruổi khắp các khu rừng Tây Nguyên, ở đâu có tiềm năng cho đàn ong sinh sống cho mật thì ông cùng các con trụ lại đó. Lán trại đóng ngay giữa rừng, mưa, phơi sương hứng nắng cũng mặc, miễn nơi đó tốt cho đàn ong nhả mật. Trời không phụ công người, đàn ong sinh sôi nảy nở thành hàng trăm đàn. Ông đầu tư mua được cả ô tô con và ô tô tải để dễ bề di chuyển, giao thương xuất khẩu mật đi khắp nước, ra nước ngoài. Không chỉ nuôi sống mà đàn ong của ông Tửu đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động là con em địa phương. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ dân muốn theo nghề để cải thiện cuộc sống. “Khe Lấp bây giờ có nhiều người trẻ thành công với nghề nuôi ong lấy mật lắm, như mô hình nuôi ong của Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Cường cho thu hoạch từ 2 đến 3 tấn mật ong mỗi năm, lãi thu được hơn 100 triệu đồng; anh Nguyễn Văn Lập với 150 đàn ong…”, ông Phượng bấm đốt ngón tay. Nhờ biết dựa vào thế mạnh của rừng, đến nay bà con ở khu phố Khe Lấp, 100% gia đình có phương tiện nghe nhìn, đi lại, một số hộ đã đầu tư mua sắm xe ô tô để thuận tiện cho việc làm ăn.

Tuy nhiên, Khe Lấp vẫn thiếu nước sinh hoạt. Không trường mầm non, tiểu học… Sáng sáng các bậc phụ huynh tất tả gọi con dậy, ăn vội bữa sáng rồi đưa con tới trường cách nhà hơn 5 cây số tới trường trung tâm phường. Trưa, chiều cũng tất bật gác việc nhà đi đón con bởi đường về vừa xa, vừa độc đạo giữa thâm u rừng rú. Cuộc sống vẫn còn khó khăn nhưng có đường, có điện, đời sống bà con đã có nhiều đổi thay. Con ong, cánh rừng là nét đặc trưng riêng của bà con khu phố Khe Lấp.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bí thư Nguyễn Văn Phượng lạc quan: “Chuyện khó khổ ngày xưa giờ đã qua rồi. Giờ cuộc sống bà con đã khá lên nhiều. Con cái học thành tấn tới, trưởng thành”.