Thứ tư, 14/10/2015, 10h36

Đánh giá năng lực viết của học sinh tiểu học

Khi đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học, giáo viên phải dựa trên các biểu hiện về tri thức, kỹ năng. Ảnh: N.T

Trong xu hướng chuyển từ nền giáo dục dựa vào kiến thức sang giáo dục theo cách tiếp cận phát triển năng lực, vấn đề đánh giá năng lực (ĐGNL) học tập được quan tâm và xem trọng hơn trước.

Về vấn đề này, chúng tôi xin đề xuất các tiêu chí ĐGNL viết của học sinh tiểu học nhằm góp phần làm cho việc đánh giá của người thầy trở nên khoa học và rõ ràng hơn. Từ nhiều quan điểm về ĐGNL, chúng ta có thể thấy ĐGNL cần thỏa mãn một số tiêu chí cụ thể sau: Thứ nhất, cần thiết phải tổ chức hoạt động để ĐGNL người học vì thông qua hoạt động, người học sẽ bộc lộ những tri thức - kỹ năng - thái độ từ nhiều môn học khác nhau. Từ đó, người học biết vận dụng chúng một cách linh hoạt và hài hòa để có cơ hội tốt nhất bộc lộ khả năng chuyên biệt. Thứ hai, các hoạt động càng phản ánh sát thực tiễn cuộc sống thì người học càng thấy được lợi ích của việc học và cũng chính vì vậy công việc đánh giá càng có ý nghĩa hơn. Thứ ba, các hoạt động nên được tổ chức một cách thường xuyên thông qua nhiều hình thức khác nhau với mục đích tạo điều kiện cho người học rèn luyện và bộc lộ năng lực một cách thường xuyên hơn. Thứ tư, người dạy cần quan tâm đến quá trình rèn luyện và sự tiến bộ của người học. Thứ năm, chú trọng khả năng “đánh giá” của người học bao gồm khả năng đánh giá chính mình và đánh giá người khác. Thứ sáu, các chỉ số đánh giá nên tường minh, rõ ràng để người đánh giá có thể quan sát và ghi nhận được.

Để định hướng các tiêu chí ĐGNL viết của học sinh tiểu học trước hết phải có quan điểm xây dựng các tiêu chí đánh giá như tổ chức hoạt động một cách thường xuyên thông qua nhiều hình thức khác nhau. Dựa trên các biểu hiện về tri thức - kỹ năng - thái độ của học sinh trong tiến trình thực hiện một nhiệm vụ để đánh giá, đồng thời tạo điều kiện và tôn trọng sự “tự đánh giá” của học sinh. Coi kết quả bài viết là phản ánh hiểu biết của học sinh đối với cuộc sống và có sự tác động đến thái độ, tình cảm của các em. Về nguyên tắc phải đảm bảo tính toàn diện và phù hợp với những tình huống thực tế khi học sinh thực hiện một nhiệm vụ. Các tiêu chí đánh giá cần rõ ràng giúp người học có căn cứ để có thể tự đánh giá mình và người khác. Bên cạnh đó, các tiêu chí cần được sắp xếp trong một hệ thống tạo điều kiện cho việc đánh giá và tự đánh giá được khoa học và tường minh. Các tiêu chí đánh giá còn là cơ sở để giúp người học phát triển năng lực viết và giúp người học có cơ sở hoàn thiện nhân cách của chính mình, nhận biết và tôn trọng sự đánh giá về mình từ giáo viên và bạn bè. 

Các tiêu chí ĐGNL viết đối với học sinh tiểu học cần chú ý các năng lực sau: Đầu tiên là năng lực chuyên môn: Là khả năng thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến một chuyên môn cụ thể bao gồm cả việc tự đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của bản thân. Tiếp theo là năng lực phương pháp: Là khả năng hoạch định, xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ. Năng lực này được xem như là kỹ năng giải quyết vấn đề của người học đối với một nhiệm vụ cụ thể bao gồm tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin và trình bày vấn đề một cách mạch lạc và tường minh. Kế tiếp là năng lực xã hội: Đây được xem như là sự biểu hiện của kỹ năng giao tiếp. Người học biết cách đặt vấn đề, biết hợp tác và thể hiện bản thân với những người khác. Cuối cùng là năng lực cá thể: Là khả năng đánh giá toàn diện bản thân có liên quan đến tình cảm, xúc cảm, những tác động tích cực mà bản thân nhận được thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ.

ThS. Lê Ngọc Tường Khanh (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Các tiêu chí đánh giá cần rõ ràng giúp người học có căn cứ để có thể tự đánh giá mình và người khác.