Thứ hai, 22/11/2010, 13h12

Đạo đức nghề nghiệp nhà báo: Phóng viên chưa được đào tạo bài bản

Bức ảnh sống động này được chụp bởi một phóng viên 19 tuổi của hãng AP Huỳnh Công Út (Nick Ut) vào tháng 6-1972. Trong hình, cô bé Kim Phúc bị bom napalm làm cháy hết quần áo gây phỏng nặng. Hoàn thành xong tác phẩm “làm thức tỉnh lương tri nhân loại”, Nick Ut thắt lòng khi nghe tiếng thét kinh hoàng của cô bé. “Tôi không muốn có thêm một đứa trẻ nữa bị chết. Tôi lấy nón múc nước tưới vào người cháu bé cho đỡ bỏng, rồi mượn mảnh dù quân đội trùm lên người đứa nhỏ trần truồng. Cũng chẳng còn nghĩ gì đến việc chụp hình nữa, tôi bồng cháu bé về Bệnh viện Củ Chi”- nhà báo Nick Ut kể về tình cảnh hoảng loạn lúc bấy giờ. Kim Phúc được chữa trị ngay sau đó và nay bà đã trở thành đại sứ hòa bình của một tổ chức phi chính phủ. “Napalm Girl” cũng mang về cho Nick Ut giải Pulitzer vào năm 1973. Nhưng điều đáng nói ở đây chính là đạo đức nghề nghiệp của ông đã được tỏa sáng trong thời khắc đen tối nhất của chiến tranh.

Là cơ quan quyền lực thứ tư, báo chí có trách nhiệm kịp thời chuyển tải đến độc giả những thông tin đúng đắn và mang tính định hướng sâu sắc. Do đó, vai trò của người phóng viên là rất quan trọng bởi chỉ khi có được cái nhìn khách quan, họ mới có thể cho ra đời những bài báo “thật như đời sống”. Cái thật trong mỗi bài viết, mẩu tin phản ánh rõ nét phẩm chất đạo đức của người làm báo. Bàn về vấn đề khá nhạy cảm này, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn với ông Đỗ Quyết Thắng, giảng viên Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, người rất tâm huyết với bộ môn đạo đức nghề nghiệp nhà báo.
Điều then chốt quyết định sự tồn tại và tiến bộ của một phóng viên chính là chữ “tâm”. Vì khi có tâm, nhà báo sẽ biết điều chỉnh ý tưởng cũng như ngòi bút sao cho không vượt quá giới hạn cho phép của nghề nghiệp.
PV: Hiện nay có không ít nhà báo lợi dụng quyền hạn của mình để bắt chẹt người khác hoặc phản ánh sai sự thật để trục lợi bất chính. Ông nghĩ sao về thực trạng này dưới góc nhìn của một nhà báo?
Ông Đỗ Quyết Thắng: Có thể nói việc xuất hiện hàng loạt biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo trong thời gian vừa qua chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” đạo đức nghề nghiệp nhà báo. Bởi những vấn đề này thường rất dễ nhận diện vì nó có dấu hiệu của vi phạm pháp luật như tống tiền, viết sai sự thật làm tổn hại đến uy tín và danh dự của người khác. Vì dễ phát hiện nên nó sẽ bị các cơ quan chức năng như tòa án, Hội Nhà báo Việt Nam xử lý rốt ráo. Cái nguy hiểm cho báo chí nước nhà chính là việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp của những nhà báo chưa đến mức hoặc không bị pháp luật xử lý do chưa có các chế tài phù hợp. Những hành động sai trái này đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trong thực tế tác nghiệp của đội ngũ nhà báo Việt Nam.
Ông có thể đưa ra một vài ví dụ điển hình?
Có thể thấy một vài ví dụ như nhà báo lợi dụng danh nghĩa để ép các doanh nghiệp ký hợp đồng quảng cáo, hoặc những trường hợp viết bài về các vấn đề nhạy cảm trong cuộc sống như tệ nạn xã hội, hành vi xâm hại trẻ em mà để nguyên tên và địa chỉ khiến cho nhân vật trong bài vì quá xấu hổ mà dẫn đến những hành vi cực đoan như tự tử… Thường trong những trường hợp này nhà báo sẽ không bị xử lý về mặt pháp luật, thế nhưng, nó đặt phóng viên vào tình cảnh phải chọn để làm hoặc không làm điều đó.
Đứng ở cương vị một người thầy giảng dạy về đạo đức nghề nghiệp cho những nhà báo tương lai ông có xót xa khi nhìn thấy học trò của mình có những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp?
Tôi buồn lắm chứ! Nếu các bạn sinh viên dính dáng tới các vấn đề đạo đức cơ bản của nhà báo như đạo bài, viết sai sự thật thì quả thật chúng tôi như thấy bóng hình mình trong những vi phạm không đáng có đó. Dịp thực tập 2010 vừa rồi của sinh viên Khoa Báo chí - Truyền thông, tòa soạn thông báo có trường hợp sinh viên khi tác nghiệp viết bài nhận phong bì của doanh nghiệp hay trường hợp sinh viên khác có biểu hiện kiêu căng, tự coi mình là “nhà báo lớn” nên từ chối làm một số công việc khác của tòa soạn. Biết được tin này, những người làm thầy như chúng tôi thật sự rất trăn trở vì có cảm giác mình chưa làm tròn nghĩa vụ giảng dạy vấn đề đạo đức nghề nghiệp với sinh viên.
Những vi phạm không nhỏ trong đội ngũ nhà báo Việt Nam từ trước đến nay ít nhiều nói lên mặt hạn chế trong việc đào tạo bộ môn đạo đức nghề nghiệp nhà báo từ phía nhà trường. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Việc vi phạm đạo đức của một số nhà báo Việt Nam hiện nay có thể được lý giải ở nhiều góc độ nhưng tôi cho rằng, chuyện rất nhiều phóng viên, người làm truyền thông chưa được đào tạo một cách bài bản về các vấn đề, tình huống đạo đức nghề nghiệp cũng tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình tác nghiệp. Một thực tế phải nhìn nhận là hiện nay hầu hết các cơ sở đào tạo chuyên ngành báo chí - truyền thông ở nước ta vẫn chưa có được một bộ giáo trình mang tính thống nhất về đạo đức nghề nghiệp nhà báo. Việc dạy tùy thuộc vào trình độ, năng lực nghiên cứu của giảng viên đứng lớp.
Và đâu sẽ là giải pháp?
Giờ lên lớp hướng dẫn bộ môn học của chúng tôi luôn ngập tràn những ý kiến trao đổi, tranh luận về các tình huống đạo đức nghề nghiệp giữa thầy và trò. Đến cuối buổi học, những kết luận cứng nhắc từ phía giảng viên sẽ được thay thế bằng các lời khuyên hữu ích.
Chắc ông chưa quên câu chuyện về hai nhà báo được nhận giải Pulitzer là Nick Ut và Kevin Carter? Thay vì chia sẻ nỗi đau cùng nhân vật trong tác phẩm vô cùng sống động về chiến tranh của mình như Nick Ut, Kevin Carter lại bỏ mặc những đứa trẻ Sudan cho những con kền kền trong nạn đói năm 1993 để rồi phải tự vẫn vì những ám ảnh do chính mình tạo ra. Ông sẽ giúp sinh viên của mình “ngộ” ra điều gì khi tiếp cận với câu chuyện này?
Hai ví dụ trên là những tình huống, bài học đạo đức đầu tiên mà chúng tôi mang ra để thảo luận với sinh viên. Chúng tôi dựa trên những vấn đề đúng - sai trong tình huống đạo đức nghề nghiệp nhà báo để giúp các bạn hiểu rằng cái gì nên và không nên làm trong quá trình tác nghiệp. Hơn ai hết chúng tôi hiểu rõ môn học mang tính thực tiễn này yêu cầu người học tìm ra các vấn đề đạo đức, thử đặt mình vào vị trí của nhà báo đó để xử lý tình huống đang gặp phải.
Xin cảm ơn ông!
Mỹ Dung (thực hiện)