Thứ bảy, 26/11/2016, 20h12

“Đạo” kiến thức: Lỗi thầy, tật trò

Dư luận xã hội đang bức xúc bởi tình trạng “ăn cắp kiến thức” diễn ra khá phổ biến hiện nay ở nhiều nơi trong việc thi cử, học hành. Trong đó báo động nhất là “đạo” ở môn văn.

Tình trạng học sinh “đạo văn” hiện nay ở nhà trường trước hết phải thấy lỗi từ phía giáo viên. Vì nhiều lý do mà vô hình trung giáo viên đã gián tiếp tiếp tay cho học sinh mắc phải tật xấu này. Đó là tình trạng của lối dạy áp đặt, đọc chép, việc phổ biến các tài liệu, các bài văn mẫu và khi kiểm tra đánh giá thì cũng xem đó là cơ sở để chấm điểm. Nhiều giáo viên có “cái tôi” quá lớn, nếu học sinh nào sáng tạo ra ngoài tài liệu, nói những ý khác mình, thì bị xem như không chịu “vâng lời”, bị điểm thấp. Chính vì thế, để có điểm, học sinh không cần sáng tạo nhiều, chỉ cần học yêu cầu của giáo viên là đủ. Áp lực của các tiêu chí thi đua, của điểm số, hiệu suất giảng dạy từ các con điểm kiểm tra, các kỳ thi do nhà trường đưa ra cũng góp phần làm cho giáo viên tìm cách đối phó. Vẫn còn đâu đó tình trạng học sinh học “gạo” thuộc lòng với đề cương có sẵn. Tệ hại nhất là nhiều giáo viên chỉ cho điểm cao với những bài kiểm tra của học sinh có “mùi” tài liệu của mình. Còn những học sinh khác thì nặng tay với điểm số. Tình cảnh đó khiến cho nhiều em làm bài rất tốt, có những sáng tạo riêng nhưng điểm số không cao. Thế là lần kiểm tra sau, những học sinh ấy rút ra được bài học: Cứ tài liệu mà học, mà kiểm tra cho chắc ăn! Và chính tình hình ấy đẩy học sinh vào cách học “vẹt”, học “gạo” - một thứ “đạo” kiến thức của người khác - mà các em vô tình mắc phải, không ý thức nhận biết! Lâu ngày thành tật, dẫn đến hệ lụy là học sinh lười suy nghĩ, biếng sáng tạo, hình thành nên thói quen của cách học thụ động, nếp nghĩ tiêu cực là học vì điểm số, để thi cử, chứ không phải để rèn luyện kỹ năng, rèn luyện tư duy. Hậu quả nhãn tiền với những phân tích trên thì ai cũng đã rõ. Về lâu dài còn nguy hiểm hơn. Trước đây, nhiều giám khảo khi chấm thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH của nhiều môn, trong đó có môn văn nhận xét rằng rất nhiều bài làm của thí sinh giống hệt nhau, vì cùng được luyện từ một “lò”, cùng “tư duy” cùng một tài liệu. Rồi những thí sinh ấy sẽ vào ĐH, sẽ học cao lên... Và thói quen học theo kiểu “đạo” kiến thức ấy sẽ lớn dần lên! Từ việc học mà suy ra việc đời. Thói quen xấu ấy sẽ dễ hình thành nên đức tính dối trá, thiếu trung thực cho người học khi ra đời.

Học sinh hiện nay bị cho là yếu về kỹ năng, kém về kỹ xảo, sở đoản, sở trường là bởi lối giáo dục áp đặt, kiểu “mớm” kiến thức. 

Để cứu nguy cho vấn nạn này, quan trọng nhất phải xuất phát từ ý thức của người học, từ hành động cụ thể của giáo viên và nhà trường. Trước mắt, giáo viên phải cho học sinh thấy được việc “đạo” kiến thức là một việc làm sai trái, phải có ý thức về quyền sở hữu chất xám của người khác. Cần chỉ cho các em những cách tham khảo tài liệu, những cách trích dẫn dẫn chứng vào bài làm văn của mình. Cần thay đổi nhiều hơn nữa cách dạy và học, cách kiểm tra, đánh giá của môn văn và các môn học khác nữa. Bộ GD-ĐT cũng nên tính tới việc xây dựng bài học về vấn đề này trong chương trình để giáo dục ý thức và rèn luyện kỹ năng cho người học, nhằm phục vụ cho việc học trước mắt và nghiên cứu khoa học lâu dài về sau.

Trần Ngọc Tuấn