Thứ tư, 5/5/2010, 13h05

Đào tạo giáo viên ở ĐBSCL: Giáo viên đủ “lượng” nhưng thiếu “chất” (Kỳ cuối)

Một giờ học theo phương pháp giảng dạy mới tại TP. Cần Thơ

Bằng nhiều hình thức học tập, nâng cao trình độ qua các loại hình đào tạo: tại chức, chuyên tu, từ xa… mà lực lượng giáo viên ở ĐBSCL ngày càng được nâng chuẩn và vượt chuẩn. Tuy nhiên, không phải người nào nâng chuẩn cũng đạt chất lượng thật sự. Thực trạng đang xảy ra ở các trường: chất lượng giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu…
Đủ “lượng” nhưng thiếu “chất”
Hai năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh đạt điểm trung bình trở lên môn Anh văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của Trường THPT Kỹ thuật Trần Ngọc Hoằng (TP. Cần Thơ), chỉ khoảng 40% - thấp hơn gần 20% so với mặt bằng chung toàn thành phố. Sau mỗi đợt thi, nhiều nguyên nhân được đưa ra phân tích: học sinh vùng sâu ít tiếp cận với các phương tiện thông tin, không có điều kiện học thêm Anh văn… Thế nhưng, khó hiểu là học sinh ở đây được học Anh văn đủ 7 năm (từ THCS đến THPT) đúng qui định, nhiều trường hợp được học Anh văn từ bậc tiểu học. Hiện nay, Trường THPT Kỹ thuật Trần Ngọc Hoằng có 36 cán bộ, giáo viên, trong đó Tổ ngoại ngữ có 5 giáo viên (2 giáo viên dạy tiếng Pháp và 3 giáo viên dạy tiếng Anh). Trong 3 giáo viên dạy tiếng Anh có 1 giáo viên tốt nghiệp cao đẳng đã chuyên tu đại học, 2 giáo viên còn lại tốt nghiệp đại học tại chức. Phải chăng có sự bất cập trong phương pháp giảng dạy môn tiếng Anh?
Ông Dương Hồng Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Bạc Liêu, bày tỏ băn khoăn: “Lực lượng giáo viên ở tỉnh Bạc Liêu được tuyển dụng từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng phần lớn được đào tạo theo các hình thức: chuyên tu, từ xa, tại chức đã lấp đầy được sự thiếu hụt về số lượng. Nhưng rõ ràng tình trạng này lại tạo ra lỗ hổng về chất lượng. Có giáo viên tuy có đủ bằng cấp (thậm chí vượt chuẩn) nhưng… không đủ khả năng giảng dạy”. Đó không phải là chuyện riêng của Bạc Liêu mà hầu hết các tỉnh, thành ở ĐBSCL đâu cũng có không nhiều thì ít. Ông Nguyễn Huỳnh Đức, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, thừa nhận: “Giáo viên được tạo điều kiện học nâng chuẩn, vượt chuẩn bằng nhiều hình thức nhưng thực tế chất lượng giảng dạy vẫn như cũ”. Ông Phạm Thiên Tuế, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, bức xúc: “Không ít giáo viên học nâng chuẩn, vượt chuẩn chỉ để hợp thức hóa bằng cấp. Lẽ nào ngành giáo dục không còn cách để giải quyết thực trạng này?”. Theo ông Dương Hồng Tân, hầu hết giáo viên ở Bạc Liêu đạt và vượt chuẩn nhưng chỉ có khoảng 30% là tốt nghiệp các lớp chính qui. Một nghịch lý chưa được giải quyết là giáo viên không có đủ khả năng giảng dạy, ngại đổi mới phương pháp giảng dạy vẫn lên lớp đều đặn, trong khi nhiều giáo sinh tốt nghiệp chính qui lại không được tuyển dụng, vì hầu hết các trường đã đủ giáo viên.  
TS. Nguyễn Thị Hồng Nam, Trưởng khoa Sư phạm Trường ĐH Cần Thơ, nói: “Không thể phủ nhận ở các lớp tại chức, chuẩn hóa, chuyên tu có người giỏi, tâm huyết… Nhưng nếu so với mặt bằng chung thì lực lượng giáo viên được đào tạo chính qui thường có đủ khả năng để thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Những lớp đào tạo nâng chuẩn, vượt chuẩn bằng hình thức từ xa… khó nâng cao trình độ thực chất cho giáo viên được”.
Đào tạo thiếu qui hoạch mang tính chất vùng
Theo TS. Nguyễn Thị Hồng Nam, do nhiều trường cho rằng ngành sư phạm dễ dạy, ít đầu tư… lại dễ thu hút sinh viên nên hễ trường được thành lập là có đào tạo sư phạm. Vì vậy, đào tạo ngành sư phạm của các trường đại học ở ĐBSCL chồng chéo nhau. Các trường như ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang, ĐH Đồng Tháp… đều có các chuyên ngành sư phạm. Các trường ngoài công lập, như: ĐH Cửu Long, ĐH Tây Đô… và cả Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, các trung tâm giáo dục thường xuyên của các tỉnh cũng đào tạo giáo viên (tốt nghiệp cử nhân sau đó học thêm chứng chỉ sư phạm). Có một băn khoăn khá chính đáng từ các nhà quản lý giáo dục là hiện nay, Bộ GD-ĐT qui định các bằng đại học có giá trị như nhau, nên khi các thầy, cô giáo tương lai nộp hồ sơ dự tuyển, các đơn vị phải tuyển từ giỏi xuống. Ông Dương Hồng Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT Bạc Liêu, cho biết: “Nhiều giáo sinh tốt nghiệp Khoa Sư phạm Trường ĐH Cần Thơ chỉ được xếp loại khá nên không trúng tuyển vì có nhiều giáo sinh học ở các trường đại học ngoài công lập tốt nghiệp loại giỏi”(!).
Chưa có một thống kê cụ thể, chi tiết cấp vùng nào về số lượng giáo sinh tốt nghiệp sư phạm hằng năm. Tuy nhiên, khảo sát sơ bộ từ các trường đại học có đào tạo giáo viên THPT thì ít nhất mỗi năm khoảng 3.000 giáo sinh ra trường. Nói theo lãnh đạo của một trường đại học ở ĐBSCL thì việc đào tạo ra nhiều giáo viên sẽ tạo cơ hội cho các trường lựa chọn người giỏi. Nếu không được đi dạy, những giáo sinh này cũng có một kiến thức nhất định để làm việc ở các ngành nghề khác. Cách tính này dường như bất ổn, bởi tại sao các trường không nghiên cứu đào tạo ngành đang cần để khỏi mất công đào tạo lại, gây lãng phí? Như một nguyên tắc bất di bất dịch: hầu hết các trường đều yêu cầu sinh viên sư phạm cam kết sau khi ra trường phục vụ ngành sư phạm. Nhưng những thầy, cô giáo tương lai ấy lại không có chỗ dạy thì như thế nào? Có người không chịu về dạy tại các trường vùng sâu, vùng xa nhưng lại không có một qui định, chế tài nào bắt buộc, xử lý nên cam kết chỉ là một sự hứa hẹn trên giấy mà thôi.
TS. Nguyễn Thị Hồng Nam cho rằng hiện nay, tình trạng đào tạo giáo viên bậc THPT ở ĐBSCL đang diễn ra thiếu định hướng, qui hoạch cụ thể. Ngay cả các sở GD-ĐT ở các địa phương cũng không có qui hoạch định hướng nhu cầu giáo viên từng năm nên khó xây dựng kế hoạch liên kết với các trường. Thực tế, rất khó quản lý, nắm được số lượng sinh viên đang học sư phạm trong phạm vi qui hoạch vì nếu sinh viên không thể vào học sư phạm ở Cần Thơ, An Giang thì có thể vào học tại Đồng Tháp hay vào học sư phạm tại các trường đại học ngoài công lập…
Từ thực trạng trên đã cảnh báo rằng một vài năm tới tình trạng thừa - thiếu giáo viên vẫn là căn bệnh mãn tính, là cái vòng luẩn quẩn. Nhiều cán bộ quản lý giáo dục cho rằng ngành giáo dục sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng mới: thừa giáo viên nhưng thiếu thầy, cô giáo giỏi.
Nhiều người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục ở ĐBSCL vẫn luôn trăn trở với câu hỏi: Làm thế nào và đến bao giờ ĐBSCL mới có được một lực lượng giáo viên đủ sức, đủ tài để đưa giáo dục của vùng đất trù phú này thoát khỏi vùng trũng?
Bài, ảnh: Bảo Ngọc