Thứ bảy, 21/10/2017, 23h06

Đào tạo ngành công thương: Sẽ đổi mới theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm

“Trong thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm với các trường còn lại thuộc Bộ theo các quy định của Chính phủ; đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương theo hướng tăng cường giao nhiệm vụ đặt hàng theo nhu cầu đào tạo của cơ quan, Nhà nước, các ngành nghề ưu tiên và các doanh nghiệp thuộc ngành. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo đối với các nước có trình độ đào tạo hiện đại, tiên tiến để từng bước tiếp thu, chuyển giao công nghệ đào tạo, phát triển chương trình đào tạo, trao đổi học sinh, sinh viên, đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao của ngành”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh tại Hội nghị “Tổng kết công tác đào tạo, đào tạo bồi dưỡng năm học 2016-2017 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2017- 2018” khối các trường ĐH-CĐ trực thuộc được tổ chức tại TP.HCM mới đây.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, sau 3 năm thực hiện cơ chế tự chủ, các cơ sở GD ĐH của Bộ Công Thương đã chủ động và linh hoạt hơn, đạt được những kết quả nhất định; các trường ĐH đã có những đổi mới sáng tạo, đột phá hơn trong công tác đào tạo, giảng dạy. Các cơ sở GD nghề nghiệp có những bước phát triển chiều sâu, tuy nhiên trong thời gian tới các cơ sở GD nghề nghiệp cần nâng cao chất lượng trong đào tạo nghề nghiệp, cần có tính sáng tạo hơn, theo hướng phát huy thế mạnh các ngành nghề đào tạo truyền thống, phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực ngành công thương và quy hoạch phát triển ngành tại các vùng miền.

Được biết, hệ thống các trường thuộc Bộ Công Thương gồm 48 trường ĐH, CĐ, trung cấp và 1 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP (về thực hiện thí điểm tự chủ đối với một số cơ sở GDĐH giai đoạn 2015-2017), Bộ Công Thương là điểm sáng, khi có 6/23 trường công lập (gần 30%) trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thí điểm đổi mới về cơ chế hoạt động. Kết quả bước đầu cho thấy việc thực hiện tự chủ đã mang lại những thay đổi tích cực cho việc sử dụng nguồn lực minh bạch và hiệu quả hơn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường đã không chỉ tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước mà còn có dấu hiệu tăng trưởng mọi mặt, cả về chỉ tiêu tuyển sinh, nâng cao chất lượng đầu ra, các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tăng cường chất lượng đội ngũ giảng viên…

Phương hướng năm học 2017-2018, các cơ sở GD của Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục tìm tòi, các hướng đi mới. Trong năm 2018 dự kiến sẽ tập trung tổ chức các lớp bồi dưỡng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Công thương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Phát triển đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ về số lượng và trình độ theo yêu cầu. Tiếp tục thực hiện tự chủ ĐH cho 6 trường đã thí điểm...

Kim Linh