Thứ bảy, 22/8/2009, 10h08

Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin: Thừa chuyên ngành, thiếu ứng dụng?

Trước kia, nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) thường được hiểu là những người được đào tạo chuyên nghiệp về CNTT nhưng nay khái niệm này đã bao gồm cả những người dùng CNTT làm việc trong các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Với quan điểm này thì hiện đang tồn tại một mâu thuẫn: nguồn nhân lực CNTT được đánh giá là đang thiếu trầm trọng trong khi hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm. Ở đây, có nguyên nhân từ khoảng trống khác biệt giữa cung và cầu.
Sinh viên Trường Đại học FPT, đội ngũ nhân lực CNTT được đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Ảnh: Nguyệt Ánh
Công nghệ thông tin ứng dụng còn hạn chế
Theo thống kê của Bộ GĐ-ĐT, hiện có 230 cơ sở đào tạo chính quy về CNTT, trong đó bậc ĐH là 103, bậc CĐ là 127. Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH và CĐ CNTT tăng 50% hằng năm; tuyển sinh sau ĐH cũng tăng 30%. 88 trường có đào tạo về CNTT bậc TCCN.
Quy mô tăng nhưng chất lượng không song hành. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT chưa đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị sử dụng, cũng như nhu cầu ứng dụng và phát triển các phần mềm ứng dụng chuyên ngành.
Theo khảo sát của ngân hàng thế giới năm 2007, khoảng 60% lao động tốt nghiệp từ các trường dạy nghề và cao đẳng cần được đào tạo lại. Một số doanh nghiệp phần mềm phải đào tạo lại khoảng 80-90% số sinh viên tốt nghiệp vừa tuyển dụng trong thời gian ít nhất là 1 năm. Khảo sát tại TP Hồ Chí Minh, tại thời điểm "cung" đang vượt "cầu" thì các doanh nghiệp phần mềm vẫn không tuyển đủ người, thậm chí chỉ tuyển được trên dưới 10% số ứng viên. Hạn chế lớn nhất của sinh viên theo đánh giá của nhà tuyển dụng là kiến thức chuyên môn không sâu, kỹ năng kém, ngoại ngữ yếu.
Chất lượng kỹ sư "phần cứng", "phần mềm" còn như thế thì những chương trình đào tạo bồi dưỡng về CNTT cho các chuyên ngành khác khó mà khả quan hơn. Hiện nay, sinh viên một số ngành kỹ thuật như cơ khí, điện, điện tử, xây dựng, giao thông, thủy lợi, địa chính và một số ngành khoa học tự nhiên đã được tiếp cận và sử dụng thành thạo những phần mềm ứng dụng chuyên ngành mới nhất. Một số khóa luận, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ các chuyên ngành đã chứa đựng nhiều nội dung nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyên ngành. Mặc dầu vậy, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực CNTT trong các chuyên ngành về khoa học kinh tế, giáo dục, khoa học xã hội, nhân văn còn hạn chế.
Làm sao đi bằng cả hai chân?
Ứng dụng CNTT trong các chuyên ngành khác là xu hướng tất yếu và là mục tiêu của đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Theo thống kê sơ bộ, hiện nước ta có khoảng 35 nghìn lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp phần mềm, 20 nghìn lao động trong các doanh nghiệp nội dung số và dịch vụ CNTT, gần 100 nghìn lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp điện tử, phần cứng máy tính và 90 nghìn nhân lực chuyên trách ứng dụng CNTT trong các tổ chức, doanh nghiệp thuộc ngành khác. Tuy chưa có điều tra nào nhưng có lẽ, số lao động này chủ yếu học chuyên ngành CNTT. Trong khi đó, kế hoạch đặt ra là: Từ nay đến năm 2015, cung cấp cho các doanh nghiệp 250.000 lao động chuyên môn về CNTT, điện tử, viễn thông có trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp và sơ cấp nghề (đào tạo 1 năm) trở lên, trong đó có 50% lao động có trình độ cao đẳng, đại học và 5% có trình độ thạc sĩ trở lên;
Một số cơ sở đào tạo đã thấy được "vùng trũng" trong đào tạo nhân lực CNTT và nhanh chóng có giải pháp đáp ứng. Trong số này, ĐH FPT là một trong những trường được coi là "thức thời" bởi họ hiểu hơn ai hết điểm mạnh, điểm yếu của sinh viên CNTT sau tốt nghiệp, cái thiếu, cái thừa của việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Việc sử dụng phương pháp đào tạo qua việc làm thực tế "on-the-job-training" cũng như cho ra đời chuyên ngành quản trị kinh doanh ứng dụng CNTT đã chứng minh hướng đi đúng của cơ sở đào tạo này.
Với mục tiêu đào tạo những doanh nhân, nhà quản trị kinh doanh có thể làm chủ được các kỹ năng CNTT trong xu thế toàn cầu hóa và hội tụ số, sinh viên học chuyên ngành sẽ phải học 2 ngoại ngữ, một số môn học bằng tiếng Anh, được học các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và ra quyết định... TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT, kỳ vọng, sau khi tốt nghiệp, sinh viên chuyên ngành này sẽ trở thành những nhà quản lý, doanh nhân không chỉ năng động, biết áp dụng tốt các kiến thức quản trị được học qua "on-the-job-training", mà còn biết tận dụng tối đa những tiện ích của CNTT để đưa ra những quyết định có lợi nhất cho doanh nghiệp trong xu thế toàn cầu hóa.
"Đơn đặt hàng" đã có, các cơ sở đào tạo cũng đã thấy phải đổi mới nội dung, chương trình, chuyên ngành đào tạo để có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Có lẽ, khoảng trống khác biệt giữa "cung" và "cầu" sẽ sớm được lấp đầy?
Vân Vũ (Hà Nội mới)