Thứ bảy, 24/10/2009, 17h10

Đào tạo tín chỉ: Khó khăn, thách thức song không thể bàn lùi

Thừa nhận đào tạo theo tín chỉ có nhiều ưu điểm hơn so với theo niên chế, vì vậy, dù phải vượt qua những so đo thiệt hơn trước mắt, vẫn không thể tính đến việc bàn lùi. Đây là quyết tâm của lãnh đạo, giảng viên, và các cố vấn học tập trong Hội thảo đánh giá 4 năm đào tạo theo hệ thống tín chỉ của Trường ĐHDL Phương Đông.
Giảng viên cũng chịu áp lực
Đào tạo đại học theo tín chỉ đã hình thành trên thế giới từ những năm cuối thế kỷ 19. Sau nhiều biến đổi, đến nay phương pháp này đã được áp dụng rộng rãi tại các nước có nền giáo dục phát triển.
Trong phương thức đào tạo theo tín chỉ, việc tự học, tự nghiên cứu của sinh viên được coi trọng và được tính vào nội dung và thời lượng của chương trình. Đây là phương thức đưa giáo dục đại học về với đúng nghĩa của nó: người học tự học, tự nghiên cứu, giảm sự nhồi nhét kiến thức của người dạy, và do đó, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học.
Giờ thực hành thí nghiệm của SV Khoa Công nghệ sinh học-Môi trường, ĐHDL Phương Đông
Tại Việt Nam, hình thức đào tạo theo tín chỉ không mới nhưng cũng mới chỉ được không nhiều trường ĐH áp dụng trong những năm gần đây.
TS. Lê Hữu Tuấn, Khoa Lý luận chính trị và Đại cương, ĐHDL Phương Đông bày tỏ: “Một cách thẳng thắn, có những khó khăn và thử thách đã làm “chạnh lòng” nhiều người chúng tôi, khi so sánh những điều thiệt hơn trước mắt, song chúng tôi không nghĩ đến việc bàn lùi”.
Giáo viên sẽ phải chịu áp lực nhiều hơn khi áp dụng phương pháp dạy và học theo tín chỉ. Bởi, đào tạo theo tín chỉ đồng nghĩa với đổi mới phương pháp giảng dạy.
Giờ học đồ án kiến trúc của sinh viên khoa Kiến trúc – công trình, ĐH Phương Đông
“Điều này không chỉ nhằm mục đích phát huy tính chủ động của người học, tăng tính sinh động trong giảng dạy, nâng cao hiệu quả tiếp thu đối với người học như nhiều người dạy hướng tới, mà còn có điều quan trọng hơn, mỗi người dạy tự thu hút người học đến với mình, nếu không, xem như mất việc”, TS.Tuấn nói.
Theo ý kiến của nhiều giảng viên, bài giảng cho đào tạo tín chỉ hoàn toàn khác với sách giáo khoa, giáo trình và giáo án. Do nhấn mạnh vào tính tự học, và chủ động nêu ý kiến giải quyết vấn đề của SV, nên việc biên soạn bài giảng mất rất nhiều thời gian, công sức so với việc viết giáo trình thông thường.
ThS. Nguyễn Quốc Tuân, giảng viên Khoa Kiến trúc Công trình, khẳng định, song song với yêu cầu SV phải tự giác, tự chủ hơn khi học, giảm bớt số giờ lên lớp học lý thuyết, từ khoá tuyển sinh 2008, một số môn học có thể áp dụng phương pháp giảng dạy mới đã được rút bớt thời gian học trên lớp khoảng 25% thời lượng.
Sẽ thăm dò ý kiến SV và đơn vị tuyển dụng
Phó GS.TS Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Phương Đông cho biết, sau 4 năm thực hiện đào tạo theo tín chỉ, đến nay chúng tôi khẳng định đây là phương pháp tiên tiến và khẳng định được hiệu quả đào tạo cũng như quyền chủ động của SV.
Phó GS.TS Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Phương Đông: "Trường sẽ tổ chức thăm dò ý kiến sinh viên và đặc biệt là các cơ quan tuyển dụng cựu sinh viên của trường để hoàn thiện việc dạy và học theo phương pháp mới tốt hơn".
Trường làm rất thận trọng, đào tạo tín chỉ phải đáp ứng các điều kiện về giáo trình, chương trình tương đối ổn định, có kế hoạch, khoa học, và điều đặc biệt là phát huy được tính chủ động của SV, không còn như đào tạo theo niên chế cứng nhắc.
Thăm dò ý kiến theo từng nhóm nhỏ của trường cho thấy, SV khá giỏi tỏ ra ủng hộ và rất quyết tâm thay đổi theo hình thức này. Với SV trung bình thì họ chưa thấy được sự thay đổi rõ rệt trong hiệu quả.
Nếu có phương pháp đào tạo tốt, tự chủ, nâng cao tính chủ động nghiên cứu, học tập của SV thì chất lượng đào tạo sẽ tốt. Trường Phương Đông có đầu vào kém hơn một số trường ĐH khác, nhưng trên thực tế phương pháp đào tạo cùng với sự cố gắng, chủ động của SV trong từng thời điểm sẽ góp phần quan trọng quyết định chất lượng kỹ sư, cử nhân.
Trao đổi với nhóm SV của trường, Thanh Huyền, Ngọc Hà K13 khoa Kinh tế - Quản trị Kinh doanh, Nguyễn Tuấn, Bùi Xuân Luân, SV Khoa Công nghệ sinh học và môi trường, Phan Anh SV năm thứ tư khoa Kiến trúc - công trình, các SV này đều có chung nhận định, học theo tín chỉ không chỉ giúp SV chủ động được khối lượng môn học theo khả năng của mình, sắp xếp việc tự học, tích lũy thực tế tốt hơn, và có thời gian nắm bắt cơ hội việc làm cho bản thân, như đi làm thêm, thử việc trước khi ra trường... Hơn nữa, việc phân chia học và thảo luận theo nhóm sẽ khiến các SV nảy sinh tính cạnh tranh, “ganh đua” nhiều hơn, khiến bộ phận các SV chây lười sẽ cảm thấy “sốt ruột” và phấn đấu để cải thiện vị trí trong các bảng điểm.
SV khóa 12 Khoa CNTT của Trường Phương Đông, năm nay có tới 46 SV tốt nghiệp và ra trường sớm 1 năm nhờ học tín chỉ. Theo quy chế đào tạo, sinh viên có thể kéo dài thời gian học tối đa đến 8 năm, tuy nhiên, số SV ra trường muộn chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với các bạn hoàn thành tín chỉ sớm và tốt nghiệp trước.
Thời gian tới, trong quá trình kiểm định, đánh giá chất lượng phương pháp đào tạo này, Trường sẽ tổ chức thăm dò ý kiến đông đảo sinh viên và đặc biệt là các cơ quan tuyển dụng cựu sinh viên của trường để hoàn thiện việc dạy và học theo phương pháp mới tốt hơn.
Thiên Giang (Vietnamnet)