Thứ bảy, 9/6/2012, 20h06

“Đạo văn” từ ý đến nguyên bài

Xã hội đang báo động về thực trạng “đạo văn”. Thế nhưng, trong nhà trường thì điều này đã trở thành chuyện thường ngày từ lâu, bởi lẽ từ tiểu học các em HS đã bắt đầu… biết “đạo văn”. Có nhiều nguyên nhân nhưng thẳng thắn mà nói: Ngành giáo dục, thầy cô và cha mẹ không phải là vô can.
Hiện nay, cha mẹ thường có ít con và việc học tập của con là điều mà họ hết sức quan tâm. Cha mẹ luôn muốn con mình học giỏi. Tuy thế, không phải ai cũng có trình độ để hướng dẫn con mình học theo chương trình tiếng Việt hiện nay; nếu có thì cũng hiếm phụ huynh đủ thời gian để kèm cặp các em hàng ngày. Tập làm văn là môn học mới và khó ngay từ khi các em lên lớp 2. Vì thế, để con mình có thể đạt điểm tốt môn này, giải pháp của phụ huynh thường là làm thay con hay mua sách văn mẫu cho con chép vào, cần thiết thì sửa chữa chút ít. Cứ thế lên đến lớp 5, văn càng khó thì việc sao chép càng nhiều. Chưa kể, hiện nay có nhiều em HS lớp 4, lớp 5 biết sử dụng internet, do đó các em lên mạng copy tài liệu về tham khảo. Em khá giỏi chỉ lấy ý, sửa chữa lại cho phù hợp; em trung bình yếu thì chép y khuôn. Tôi đã từng bất ngờ khi vài em HS đột ngột viết có ý văn hay, lời văn trôi chảy, cảm xúc dạt dào… Sau đó, tôi mới phát hiện là các em làm theo kiểu này.
Mấy mươi năm trước, khi chấm bài, hai bài có ý giống nhau giáo viên “thẳng tay” cho điểm dưới trung bình với lời phê “Xem bài nhau”, hai bài giống nhau hoàn toàn là 0 điểm. Những năm đầu thi tốt nghiệp tiểu học, các bài sao chép văn mẫu được chấm dưới trung bình. Những năm sau đó, có ý kiến cho rằng các em có thể học ý hay từ sách, từ bạn, từ lời giảng thầy cô… nên có thể giống nhau và rồi giống nhau về ý được cho qua. Các năm kế tiếp, bài giống nhau y hệt trong một phòng thi không được chấm điểm mức giỏi mà chỉ cho tối đa ở mức điểm khá. Vậy là cánh cửa “đạo văn” đã mở.
Tập làm văn là môn học đòi hỏi ở giáo viên rất nhiều công sức. HS đạt điểm khá giỏi ở môn văn rất hiếm hoi, còn lại đa số chỉ đạt trung bình và yếu. Vậy thì một bài tập làm văn sao chép văn mẫu được chấm điểm khá sẽ rất nhẹ nhàng cho thầy cô trong giảng dạy. Thế là nhiều kiểu dạy tập làm văn ra đời trong thực tế. Trước một đề bài tập làm văn, giáo viên hướng dẫn dàn bài hết sức chi tiết, HS chỉ cần kết nối các ý lại là thành một bài văn hoàn chỉnh không cần phải suy nghĩ, thêm thắt ý gì của bản thân cả. Với HS yếu, việc liên kết các câu cũng khó làm tốt được thì chỉ cần cho các em học thuộc lòng bài mẫu. Có giáo viên rất “khéo léo”, với một đề bài cho chép 2, 3 bài mẫu để các em khá giỏi chọn lựa ý thích từ các bài ấy viết lại thành bài của mình; các em yếu kém thì tự chọn bài để học thuộc… Các thầy cô dạy văn một cách nghiêm túc thì HS của mình khi đi thi luôn có kết quả thấp hơn các lớp khác. Dưới mắt phụ huynh, ban giám hiệu và cả một số đồng nghiệp, giáo viên ấy dạy dở. Vậy là… lây lan các phương pháp dạy tập làm văn theo kiểu “đạo văn”.
Lê Phương Nhân Tâm